Ngoại trưởng Iran rời Pháp sau chuyến thăm bất ngờ đến Hội nghị G7

Thứ Hai, 26/08/2019, 07:36

Ngoại trưởng Iran vừa qua đã có chuyến thăm bất ngờ đến Pháp và đàm phán với nước chủ nhà của Hội nghị G7 năm nay vào ngày 25-8 (giờ địa phương), trong bối cảnh Paris đang nỗ lực giảm bớt căng thẳng giữa Mỹ và Iran, một động thái khiến các nhà ngoại giao Mỹ bất ngờ.

Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif. Ảnh Reuters. 

Các nhà lãnh đạo châu Âu đang “vật lộn” để làm giảm căng thẳng giữa Mỹ và Iran kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 và tái áp đặt các lệnh trừng phạt với Iran.

Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif, người đang chịu lệnh trừng phạt của Mỹ, đã bay tới thị trấn Biarritz phía Tây Nam nước Pháp, nơi đăng cai Hội nghị G7 năm 2019. Tại đây, ông đã có hơn ba giờ đàm phán với nhiều quan chức cấp cao, bao gồm cả Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, trước khi quay trở lại Tehran.

“Con đường phía trước rất khó khăn. Nhưng nó đáng để thử”, ông Zarif đăng tải trên Twitter và nói thêm rằng ngoài việc gặp gỡ các lãnh đạo Pháp, ông còn có cuộc họp chung ngắn với các quan chức của Đức và Anh.

Các quan chức Pháp coi đây là cuộc gặp quan trọng nhằm “xác định các đề xuất của Iran” để giúp xoa dịu cuộc khủng hoảng sau khi các lãnh đạo G7 thảo luận về vấn đề Iran trong “bữa tối làm việc” hôm 24-8.

Kể từ khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015, đạt được giữa Iran và các cường quốc trên thế giới, ông Trump đã tăng cường áp lực tối đa buộc Iran phải ngồi vào bàn đàm phán mới về chương trình hạt nhân tên lửa của nước này và nhiều hoạt động khác trong khu vực.

Trong khi các đồng minh châu Âu của Mỹ cũng muốn có các cuộc đàm phán mới với Iran, họ tin rằng thỏa thuận hạt nhân phải được giữ nguyên. Ông Macron, người đi đầu ở châu Âu trong nỗ lực cứu vãn thỏa thuận và ngăn chặn một cuộc khủng hoảng sâu sắc hơn ở Trung Đông, đã gặp ông Zarif ở Paris vào hôm 23-8.

Họ đã thảo luận các đề xuất nhằm giảm căng thẳng giữa Washington và Tehran, bao gồm nới lỏng một số lệnh trừng phạt của Mỹ hoặc cung cấp cho Iran một cơ chế bồi thường kinh tế để bù đắp cho các khoản thu từ dầu bị mất theo lệnh trừng phạt của Mỹ.

Duy Tiến (Theo Reuters)
.
.
.