Ngoại giao Mỹ - Triều: Khoảng lặng sau bão

Thứ Hai, 19/03/2018, 09:36
Đã gần 2 tuần trôi qua kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump làm cả thể giới bất ngờ khi chấp thuận lời mời gặp nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un. Nhưng, từ đó tới nay, Bình Nhưỡng lại duy trì thái độ im lặng về vấn đề này.

Có phải Bình Nhưỡng muốn tiếp tục nắm thế chủ động?

Cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên kéo dài đến nay đã gần 30 năm, có một hiện tượng thú vị là CHDCND Triều Tiên dường như luôn nắm thế chủ động, tình hình căng thẳng hay hòa dịu đều do Bình Nhưỡng quyết định. 

Trong số các bên tham gia đàm phán 6 bên, xét về thực lực kinh tế hay các thực lực khác, CHDCND Triều Tiên luôn là bên yếu thế, nhưng tại sao Bình Nhưỡng lại luôn “lợi hại” hơn so với các bên còn lại?

Sự “hòa giải nhanh chóng” giữa Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên tại kỳ Thế vận hội (Olymlic) mùa Đông PyeongChang hồi tháng 2 vừa qua thể hiện rõ việc Bình Nhưỡng nắm hoàn toàn quyền chủ động về ngoại giao. 

CHDCND Triều Tiên ban đầu thông báo cho Hàn Quốc rằng, đoàn văn công của họ sẽ sang Hàn Quốc bằng đường bộ, nhưng chỉ 2 ngày trước khi đến Hàn Quốc, họ mới thông báo rằng, đoàn sẽ sang bằng đường thủy.

Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc trước đó đã áp lệnh trừng phạt cấm các tàu thuyền của CHDCND Triều Tiên được cập cảng, song Hàn Quốc, vì coi trọng công tác đăng cai tổ chức Olymlic nên đã đưa ra trường hợp ngoại lệ cho phép tàu Mangyongbong-92 của CHDCND Triều Tiên cập cảng. Có nguồn tin cho biết, Seoul thậm chí còn cung cấp nhiên liệu, thực thẩm cho con tàu này.

Cuộc gặp Mỹ-Triều đang gây xôn xao trên các phương tiện truyền thông nhưng Bình Nhưỡng vẫn hoàn toàn im lặng.

Dưới sự nỗ lực của Hàn Quốc, Ủy ban trừng phạt của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã thông qua “ngoại lệ”, cho phép một số quan chức CHDCND Triều Tiên nằm trong danh sách trừng phạt của LHQ là thành viên của đoàn đại biểu CHDCND Triều Tiên được tới Hàn Quốc. 

Đầu tháng 2-2018, Hàn Quốc nhận được miễn trừ “đặc biệt” liên quan đến lệnh trừng phạt đơn phương của Mỹ đối với CHDCND Triều Tiên, cho phép máy bay thuê bao của Hãng hàng không Hàn Quốc chở các tuyển thủ Hàn Quốc sang CHDCND Triều Tiên để tập luyện chung. 

Ngược lại, 22h ngày 29-1, Bình Nhưỡng đột ngột thông báo hủy buổi biểu diễn nghệ thuật liên Triều dự định tổ chức tại Khu du lịch núi Bumgang của CHDCND Triều Tiên vào ngày 4-2…

Kết hợp với các động thái của CHDCND Triều Tiên từ trước tới nay như việc đóng của Khu công nghiệp Kaesong và Khu du lịch núi Kumgang, làm gián đoạn hoạt động đoàn tụ các gia đình ly tán hoặc đề nghị tổ chức Hội nghị thượng đỉnh liên Triều, khôi phục đường dây nóng…, trong vấn đề hai miền Triều Tiên bất luận là lựa chọn hòa hoãn hay đối lập, quyền chủ động đều nằm trong tay Bình Nhưỡng, trong khi Seoul dường như chỉ có thể bị động đối phó.

Lần này, với thái độ im lặng trước cái gật đầu của Mỹ, có phải CHDCND Triều Tiên muốn lặp lại kịch bản tương tự?

Sự im lặng dễ hiểu

Nếu xét tới cách hành xử của CHDCND Triều Tiên trong quá khứ, động thái của Bình Nhưỡng lần này được đánh giá không bất thường. Hồi năm 2000, CHDCND Triều Tiên quyết định mời Tổng thống Mỹ khi đó là ông Bill Clinton tới Bình Nhưỡng. 

Lời mời chính thức này được đưa ra vài tháng sau khi Ngoại trưởng Mỹ lúc đó là bà Madeleine Albright gặp người đồng cấp Triều Tiên bên lề hội nghị cấp cao các quốc gia châu Á vào tháng 7-2000. Hai bên đã thảo luận về khả năng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il sẽ cử một phái viên tới Thủ đô Washington (Mỹ) để chuyển lời mời chính thức tới Tổng thống Clinton. 

Trong cuốn sách “Bà Ngoại trưởng”, bà Albright viết: “Một lần nữa, Triều Tiên cố tình phản ứng chậm. Không quen với việc tham vấn với một nền dân chủ, họ có thói quen không làm gì trong nhiều tháng, rồi đột nhiên ra quyết định và chờ một lời phúc đáp tức khắc”.

Trong khi đó, ông Mike Chinoy, tác giả cuốn “Sự tan rã: Câu chuyện từ bên trong về khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên”, cho rằng, có khả năng “phái đoàn của Hàn Quốc đã không truyền tải chính xác những gì ông Kim nói với ông Trump”.

Ông Chinoy, cựu trưởng cơ quan thường trú CNN tại Bắc Kinh trong giai đoạn 1987-1995, người đã tới CHDCND Triều Tiên 17 lần, cảnh báo: “Không nên chắc chắn về cuộc gặp thượng đỉnh trước khi nó thực sự diễn ra”. 

Tuy nhiên, các nguồn tin ngoại giao nhận xét có thể tin tưởng vào ngôn từ và hành động của phía Hàn Quốc, rằng hầu hết các bên đang thúc đẩy công tác chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều, mặc dù cho tới nay thời điểm, địa điểm và thành phần tham dự chính xác chưa được ấn định.

Bên cạnh đó, cũng có nhiều lời giải thích khác cho sự im lặng của Bình Nhưỡng. Phía Hàn Quốc cho rằng, Bình Nhưỡng “đang tiếp cận vấn đề một cách dè dặt và cần nhiều thời gian hơn để tổ chức lại lập trường”.

Bên cạnh đó, nhiều khả năng nhà lãnh đạo Kim Jong-un đang “cảnh giác” trước quyết định dứt khoát và gây ngạc nhiên của ông Donald Trump.

Thật khó cho bất kỳ ai có thể tin rằng, ngay sau những cuộc khẩu chiến nảy lửa với nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên trong năm 2017, người đứng đầu Nhà Trắng lại sẵn sàng đồng ý dễ dàng như vậy mà không cần điều kiện tiên quyết. CHDCND Triều Tiên cũng có thể vẫn đang theo dõi các phản ứng của quốc tế, ví dụ như chờ đợi các cường quốc khu vực, đặc biệt là Trung Quốc, phản ứng như thế nào về cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều.

Chưa hết, lời mời của ông Kim Jong-un tới ông Donald Trump được chuyển tiếp thông qua các quan chức Hàn Quốc và có thể các nhân vật này đã không chuyển tải chính xác (hoặc hoàn toàn) thông điệp của nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên.

Cuối cùng, sự im lặng của Bình Nhưỡng có thể còn liên quan đến vấn đề uy tín của CHDCND Triều Tiên. Có ý kiến cho rằng, có thể do đây chỉ là một tuyên bố đơn phương từ ông Donald Trump và ông Kim Jong-un xem đây chỉ là “thông điệp bằng miệng” thông qua các trung gian Hàn Quốc chứ chưa phải là tuyên bố chính thức của Nhà Trắng.

Sự quan trọng của công tác ngoại giao

Olympic mùa Đông PyeongChang hay cái gật đầu của Mỹ là số ít những minh chứng cho thấy những lợi ích của ngoại giao. Trọng tâm của ngoại giao là sự thuyết phục. 

Do vậy, khi nỗ lực thực hiện trong những sự kiềm chế nhằm theo đuổi các tham vọng lớn hơn, Mỹ cần coi công cụ quyền lực ngoại giao là một người bạn tự nhiên, mà không phải là một kẻ thù, của nghệ thuật lãnh đạo đất nước mang tính chiến lược.

Ngoại giao có nhiều khía cạnh và có thể cải thiện tình hình theo bất kỳ chính sách nào, ngay cả chính trị cường quyền.

Tổng thống Donald Trump đã nhấn mạnh việc đưa vấn đề Triều Tiên lên hàng đầu trong nghị trình của Mỹ với Trung Quốc và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đáp lại. Bắc Kinh chắc chắn sẽ tránh các bước đi gây bất ổn cho một nước trong vùng đệm trọng yếu, nhưng ngoại giao đã huy động được sự hỗ trợ của quốc tế nhằm ngăn dòng ngoại tệ mạnh chảy vào CHDCND Triều Tiên.

Cũng có thể tìm thấy lợi ích của ngoại giao trong tính linh hoạt của nó. Không có thành viên cấp cao nào trong chính quyền Tổng thống Mỹ từng gặp nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Những liên kết trực tiếp giữa các nhóm thân cận của hai bên chỉ bao gồm 2 cơ hội chụp ảnh tại PyeongChang.

Với cái gật đầu lần này, Tổng thống Donald Trump (dường như) đã cho thấy sự khéo léo ngoại giao để mở cơ hội cho các cuộc đàm phán, đồng thời không giảm nhẹ chính sách gây sức ép và thực thi đầy đủ các biện pháp trừng phạt. Có thể lấy tính tượng trưng đối phó với tính tượng trưng, và thực chất đối phó với thực chất.

Khổng Hà
.
.
.