Ngày càng rõ nét nguy cơ một Brexit không có thỏa thuận

Thứ Bảy, 13/10/2018, 09:47
Chỉ còn chưa đầy 6 tháng nữa, vào ngày 29-3-2019, nước Anh sẽ chính thức rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit. 

Thời hạn chót đã cận kề, nhưng khả năng xảy ra một Brexit không có thỏa thuận là rất lớn. Hay nói cách khác, London có thể sẽ thấy mình bị đẩy ra khỏi EU mà không có thỏa thuận nào.

Chia rẽ ngay từ trong nội bộ

Hãng tin AP dẫn lời Bộ trưởng phụ trách vấn đề Brexit của Anh Dominic Raab cảnh báo EU và chính đảng đang bị chia rẽ của ông rằng, nước Anh sẽ ra khỏi EU mà không cần có các thỏa thuận còn hơn là chấp nhận tiếp tục trung thành với các luật lệ và yêu cầu của khối này. 

Một đoạn bị tiết lộ trong bài phát biểu của Bộ trưởng Dominic Raab cho biết ông có kế hoạch thông báo với các đảng viên đảng Bảo thủ rằng nếu EU cố tình ngăn cản tiến trình rời khỏi EU bằng các “biện pháp bất chính” như giữ London ở lại khối thị trường chung hoặc liên minh thuế quan, thì “chúng tôi sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc ra đi mà không cần có thỏa thuận”.

Nhiều khả năng Anh sẽ bị đẩy ra khỏi EU mà không có thỏa thuận nào.

Quan điểm trên không phải là quan điểm được chia sẻ một cách phổ biến trong hàng ngũ các đảng viên đảng Bảo thủ khi đảng đang cầm quyền ở Anh này sắp tổ chức hội nghị thường niên tại thành phố Birmingham. 

Nhiều nhà lập pháp Bảo thủ sẽ muốn duy trì mối quan hệ thân thiết với EU sau khi Anh rời khỏi khối này vào tháng 3-2019. Nhiều nhóm doanh nghiệp lớn, những người lo sợ các rào cản đối với thương mại và việc tuyển dụng nhân công có thể gây phương hại cho nền kinh tế Anh, cũng có mong muốn tương tự. 

Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond sử dụng chính bài phát biểu của ông tại hội nghị ngày 30-9 để nhấn mạnh rằng, Đảng Bảo thủ là đảng của khát vọng kinh doanh và kinh tế. Đó là chỉ dấu cho thấy vấn đề Brexit đã khuấy động chính trường Anh như thế nào.

Trong khi đó, Thủ tướng Anh Theresa May đang đối mặt với nguy cơ có sự thách thức quyền lãnh đạo của bà khi sự phản đối đối với kế hoạch Brexit của bà ngày càng gay gắt và sự ủng hộ đối với việc tổ chức cuộc trưng cầu dân ý lần thứ hai về tư cách thành viên EU của Anh ngày càng lớn. 

Bà đang ở thế bị kẹt giữa những vị bộ trưởng như Hammond - những người muốn hạn chế mối quan hệ kinh tế thân thiết với EU sau khi ra khỏi khối này, quyết tâm thực hiện kế hoạch “Brexit cứng” và cho rằng, sự đoạn tuyệt hoàn toàn với EU sẽ giúp Anh ký kết được những thỏa thuận thương mại mới với các quốc gia trên khắp thế giới. 

Kế hoạch Brexit của bà May, sẽ giữ chân Anh trong thị trường hàng hóa chung của EU trong khi để cho nước này được tự do đưa ra những quy định riêng trong lĩnh vực dịch vụ, không được lòng cả hai phe phái trong đảng của bà.

Cựu Ngoại trưởng Anh Boris Johnson - nhân vật rất có thể sẽ là địch thủ của bà May trong tương lai - gọi kế hoạch này là “phi lý” và “loạn trí”. Kế hoạch của bà May cũng bị các lãnh đạo của EU bác bỏ, vì họ cho rằng Anh được lợi rất nhiều từ tư cách thành viên EU mà không phải trả chi phí gì cũng như không phải chịu trách nhiệm gì.

Vì đâu nên nỗi?

Theo hãng Reuters, nếu Anh thực sự muốn có được một thỏa thuận Brexit vào phút chót, Ngoại trưởng Jeremy Hunt có lẽ không nên so sánh EU với Liên bang Xô Viết trong bài bình luận mà ông đưa ra tại Hội nghị mùa Thu của đảng Bảo thủ diễn ra hôm 1-10.

So sánh này của ông Hunt đã khiến nhiều nhà châu Âu tức giận. Tuy nhiên, đó có lẽ đúng là điều mà ông Hunt muốn bởi ông là một trong số những quan chức đặt mục tiêu trở thành người lãnh đạo đảng Bảo thủ tại Anh.

Cũng giống người tiền nhiệm Boris Johnson hay Tổng thống Mỹ Donald Trump, ông Hunt có vẻ như đã nghĩ rằng, những tuyên bố gây sốc có thể thu hút sự chú ý của dư luận và giúp ông giành được sự ủng hộ trong nội bộ đảng, cho dù các phát ngôn kiểu này có thể khiến những gì mà chính phủ cần làm ngày càng trở nên bất khả thi.

Chính trường phương Tây thời gian này xuất hiện nhiều chính trị gia sẵn lòng phá hoại tiến trình hoạch định chính sách chỉ vì tư lợi cá nhân hoặc vì mục tiêu của đảng mình. Điều này thể hiện qua sự trỗi dậy của phe cực hữu tại Đức, Austria và Thụy Điển, qua các cuộc vận động chính trị về vấn đề tị nạn ở Italy, và tất nhiên, cả ở Quốc hội Mỹ. 

Tận dụng những nỗi lo sợ, bất bình, và mâu thuẫn, họ cho rằng khủng hoảng và đối đầu sẽ giúp họ có được sự ủng hộ của những lực lượng cử tri dù nhỏ song có nhiều ảnh hưởng, giúp họ thâu tóm hoặc củng cố quyền lực của mình. Vấn đề nằm ở chỗ chiến lược này không thực sự hiệu quả. 

Giữa những vòng xoáy chính trị và địa chính trị cùng toan tính của các đối thủ, những kế hoạch này hiếm khi được như trông đợi. Điều này thể hiện rõ nhất trong tiến trình Brexit, lựa chọn đang đẩy nước Anh tới một kết quả cực kỳ tồi tệ và khó tránh là Anh sẽ phải ra đi song không đạt bất kỳ thỏa thuận nào với EU, đe dọa kéo theo những bất ổn còn nghiêm trọng hơn nữa.

Trong khi đó, ngày càng có nhiều người kêu gọi tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân thứ hai, song cũng chưa ai dám chắc về cách thức tiến hành và nội dung trưng cầu của nó. 

Một số ý kiến cho rằng cuộc bỏ phiếu mới phải đưa ra lựa chọn giữa một bên là Brexit mà không có thỏa thuận và thứ hai là một lựa chọn ôn hòa hơn, có thể là áp dụng theo mô hình quan hệ của Norway hay Thụy Sỹ với EU, nhưng có sự gắn kết chặt chẽ về dân tộc và hệ thống. 

Cũng có người cho rằng, việc xóa bỏ hoàn toàn Brexit và tiếp tục ở lại EU “như chưa có gì xảy ra” cũng nên được đưa ra để lựa chọn trong cuộc bỏ phiếu này. Tuy nhiên, khả năng người ta có thể hoàn tất cuộc trưng cầu ý dân với 3 phương án sau chỉ 1 hoặc 2 vòng bỏ phiếu là điều không tưởng. Trong bối cảnh bất ổn và khó lường như hiện nay, việc tìm kiếm đồng thuận có vẻ như là việc ngày càng khó khăn.

Hà Linh (tổng hợp)
.
.
.