Nga trở thành nước đầu tiên hoàn tất thử nghiệm vaccine COVID-19 trên người
- Tiêm vaccine giữ vai trò quan trọng hàng đầu phòng dịch bạch hầu
- Vaccine COVID-19 "made in Vietnam" vượt tiến độ dự kiến
- WHO không chắc chắn về thời gian có vaccine ngừa COVID-19
IndiaTimes ngày 13/7 dẫn lời nhà khoa học Elena Smolyarchuk thuộc Trung tâm nghiên cứu y tế lâm sàng tại trường đại học Sechenov của Nga cho biết hoạt động thử nghiệm mẫu vaccine ngừa COVID-19 trên người đã hoàn tất và các tình nguyện viên tham gia tiêm thử vaccine sẽ sớm được xuất viện.
Nga trở thành nước đầu tiên hoàn tất thử nghiệm vaccine COVID-19 trên người. Ảnh minh họa |
“Nghiên cứu đã hoàn tất và nó chứng minh được rằng vaccine rất an toàn. Các tình nguyện viên sẽ lần lượt được xuất viện từ ngày 15 đến 20/7 tới”, bà Elena Smolyarchuk tiết lộ với giới truyền thông Nga.
Theo mô tả của IndiaTimes, chưa có quốc gia nào ngoài Nga hoàn tất quá trình đánh giá một mẫu vaccine COVID-19 trên người, dù Nga không phải quốc gia duy nhất tham gia cuộc đua chế tạo vaccine chống lại đại dịch toàn cầu này.
Tuy nhiên, vẫn chưa rõ khi nào mẫu vaccine này có thể đưa vào sản xuất thương mại hàng loạt. IndiaTimes cho biết đây là một trong hai mẫu vaccine do Trung tâm nghiên cứu dịch tễ học và vi sinh Gamalei của Nga điều chế và được cấp phép thử nghiệm từ ngày 18/6.
Mẫu vaccine thứ nhất, dạng dung dịch và đưa vào cơ thể người thông qua tiêm bắp, được thử nghiệm ở Bệnh viện Burdenko thuộc Bộ Quốc phòng Nga. Mẫu vaccine thử tại trường Sechenov ở dạng bột. Chúng được pha chế thành dung dịch trước khi tiêm.
Trước đó, giới truyền thông dẫn tin từ Bộ Quốc phòng Nga cho biết các tình nguyện viên đã có khả năng miễn dịch với COVID-19 sau khi tiêm vaccine thử nghiệm.
Việc một mẫu vaccine ngừa COVID-19 được chứng minh có hiệu quả là dấu mốc quan trọng trong cuộc chiến đẩy lùi dịch bệnh này, vốn đã gây ra cái chết cho gần 576.000 người trong tổng số hơn 13 triệu người nhiễm trên toàn thế giới. Tại Nga, số ca nhiễm COVID-19 là 740.000 với hơn 11.600 người thiệt mạng.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), toàn cầu hiện có 21 mẫu vaccine ngừa COVID-19 triển vọng đang được thử nghiệm.