Nga tiếp tục kêu gọi quốc tế đoàn kết chống IS

Chủ Nhật, 10/04/2016, 11:32
Ngày 8-4, khẳng định cái gọi là Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) vẫn có nguồn thu từ buôn bán dầu mỏ và nhiều loại hàng hóa khác như cổ vật, các quan chức Bộ Ngoại giao Nga đã lên tiếng kêu gọi cộng đồng quốc tế chặn nguồn thu tài chính của IS. 


Bộ Ngoại giao Nga chỉ ra rằng, nguyên nhân của vấn đề này là một số quốc gia vẫn chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ quốc tế của mình, trong đó có Nghị quyết số 2199 cùng các nghị quyết khác của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về ngăn chặn nguồn tài chính cho khủng bố.

Cụ thể, Giám đốc Cơ quan phụ trách các vấn đề thách thức và mối đe dọa mới thuộc Bộ Ngoại giao Nga Ilya Rogachev chỉ ra rằng, tại “quốc gia láng giềng” của Syria, các loại hàng hóa (của IS) được làm giấy tờ chứng nhận giả về nguồn gốc xuất xứ hợp pháp và sau đó tiếp tục được buôn bán trên toàn thế giới. Kết quả là IS vẫn tuyển mộ được chiến binh và mua được vũ khí. Chính vì vậy, để ngăn chặn nguồn tài chính của IS cần phải có sự hợp tác quốc tế. 

Về phía Nga, Moskva hiện đang chú trọng vào vấn đề ngăn chặn các nguồn thu nhập của các nhóm khủng bố như IS. Trong khi đó, nhà khoa học chính trị Đức Harald Müller, chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu Hoà bình và Xung đột, nhận định, dầu mỏ vẫn là nguồn thu lớn nhất của IS. Tuy nhiên, các vụ không kích quy mô lớn nhằm vào các giếng dầu, các cơ sở lọc dầu và tuyến vận chuyển dầu cũng như tình trạng sụt giảm giá dầu trên thế giới đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn thu này. 

Vị chuyên gia người Đức cho rằng, IS sắp cạn nguồn tài chính và chỉ có thể duy trì hoạt động khoảng 3 năm nữa nhưng sẽ khó có thể tiêu diệt hoàn toàn IS và lực lượng này có thể gia tăng những vụ tấn công bạo lực ở các nước phương Tây. Chuyên gia Müller khẳng định sự vào cuộc của các cơ quan tình báo và giới chuyên gia tài chính là rất cần thiết trong cuộc chiến chống khủng bố này.

Trên thực tế, ngăn chặn nguồn cung tài chính chỉ là một trong số nhiều cách để tiêu diệt IS. Các chuyên gia chống khủng bố quốc tế cho rằng, vào thời điểm hiện tại, để tiêu diệt IS, cộng đồng quốc tế cần phải đoàn kết làm một số việc sau. Đầu tiên là sử dụng ngôn từ phù hợp. 

Một tuyến “quốc lộ” của IS.

IS không phải là “Hồi giáo cực đoan” mà là một tổ chức sùng bái tôn giáo ở cấp độ cực đoan hơn cả các nhóm Hồi giáo cực đoan nhất trong quá khứ. IS quá coi trọng chủ nghĩa thánh chiến bất diệt mà cho rằng, mỗi hành động giết người hàng loạt, cưỡng bức hay khủng bố tự sát chống lại các kẻ thủ của nó là một hình thức tôn thờ tương đương như cầu nguyện.

Tham gia thánh chiến cho đến lúc chết được coi là một nghĩa vụ tôn giáo lớn hơn so với làm từ thiện, ăn chay, cầu nguyện… Việc coi IS như là một tổ chức sùng bái tôn giáo mang tính hủy diệt chứ không phải một nhóm “Hồi giáo cực đoan” chính trị thần quyền hợp pháp không chỉ chính xác hơn, mà còn vạch trần cách hiểu tôn giáo thối nát của tổ chức này. 

Tiếp đó, phải ngừng đổ lỗi cho Hồi giáo và tấn công IS. Thế giới Hồi giáo là bức tường thành tôn giáo duy nhất chống lại IS. Chỉ có thể đánh bại IS bằng cách thu hút tiếng nói chung của cộng đồng Hồi giáo trên toàn thế giới, chứ không phải đơn giản bằng một tuyên bố của Bộ Ngoại giao. Nếu người Hồi giáo trên toàn thế giới bác bỏ tính hợp pháp của IS và hợp tác với cộng đồng quốc tế để loại bỏ hoàn toàn các phần tử khủng bố tiềm tàng trong cộng đồng của họ, tầm ảnh hưởng của IS sẽ suy yếu mạnh mẽ. 

Để làm được việc này đòi hỏi sự công nhận rằng, những người trong thế giới Hồi giáo không phải là vấn đề hay mối đe dọa; họ là nạn nhân của IS. Họ là những đồng minh mà chúng đang chiến đấu để bảo vệ. Việc thứ ba phải làm là triển khai lực lượng đặc nhiệm. Cái gọi là “Vương quốc Hồi giáo” của IS thực ra là một chuỗi thành phố và làng mạc được kết nối bằng những con đường và đường tiếp tế. Cắt bỏ những đường tiếp tế này và hình ảnh “lãnh thổ” cố kết của IS sẽ chuyển thành các khu vực biệt lập có người ở. 

Mỹ mới xác định được khu vực tập trung sức mạnh chiến đấu “dày đặc nhất” của IS là hành lang quốc lộ giữa Mosul và biên giới Syria. Nếu các lực lượng được huấn luyện của Iraq và người Kurd cùng với lực lượng đặc nhiệm Mỹ và đồng minh thực hiện các cuộc tấn công với vũ khí hạng nặng dọc theo các quốc lộ của IS, họ sẽ thay đổi cuộc chiến trong chốc lát.

Việc tiếp theo chính là tiến hành chiến tranh mạng trên quy mô toàn diện. IS hoạt động trên trang web đen – các phần sâu xa nhất được che giấu của Internet – thông qua một mạng lưới người ủng hộ trên toàn cầu. Mạng lưới này có thể bị phá vỡ nếu một nỗ lực có phối hợp được tiến hành để phá tan việc tập hợp các máy chủ, máy tính thực sự giúp duy trì các hoạt động bị che giấu trên mạng này.

Bên cạnh đó, nên nhận diện và tấn công các kết nối máy tính hỗ trợ truyền thông và mạng lưới người ủng hộ của IS trên toàn thế giới. Việc cuối cùng cộng đồng quốc tế phải làm là chuẩn bị cho các phiên tòa xét xử tội ác chiến tranh trên biển. IS hiện đang phạm tội ác diệt chủng chống lại người theo đạo Thiên chúa và người Yazidi tại khu vực Trung Đông.

Các chiến binh IS cũng phạm tội ác chiến tranh chống lại người Hồi giáo, cả người Shiite lẫn Sunni. Nhiều chiến binh IS, sau khi bị bắt, được chuyển về quê nhà để xét xử hoặc bị giam giữ trong các nhà tù, nơi khả năng trốn thoát là khá cao. 

Thay vì tiếp tục thông lệ này, cộng đồng quốc tế nên đưa các chiến binh IS có giá trị cao tới các tàu giam giữ tù nhân và triệu tập ngay các phiên tòa quốc tế hợp lý xét xử tội ác chiến tranh trên biển. Các tàu này có thể được trang bị các thiết bị để thi hành án tử hình nhanh chóng trên tàu.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.