Nga sẽ không “ăn miếng trả miếng” với Mỹ

Thứ Ba, 06/02/2018, 08:17
Phản ứng trước việc Mỹ tung ra cái gọi là “Báo cáo Kremlin”, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov ngày 5-2 khẳng định chủ trương của Moscow là không áp dụng biện pháp trả đũa đối với động thái trên của Washington. Thay vào đó, Nga vẫn cam kết tìm kiếm các giải pháp hòa bình cho mọi vấn đề.


Thứ trưởng Ngoại giao Nga nêu rõ: “Trong tình hình này, chúng tôi không theo đuổi phương án ăn miếng trả miếng, đồng thời không muốn tự gây khó cho mình… Moscow sẽ chỉ đáp trả trong trường hợp Tổng thống đánh giá các yếu tố và quyết định rằng đã đến thời điểm”. 

Thứ trưởng Ryabkov cho rằng, vẫn còn đó những triển vọng cho việc bình thường hóa và cải thiện mối quan hệ Nga - Mỹ. Moscow quan tâm hơn tới việc làm thế nào để giải quyết các vấn đề quan trọng một cách bình tĩnh và đã nhiều lần đề xuất (với Mỹ - PV) các cách để làm việc đó, đồng thời luôn tuyên bố ủng hộ “việc hình thành một chương trình nghị sự mang tính xây dựng mới”. 

“Chúng ta không nên làm cho tình hình căng thẳng hơn. Điều thực sự cần thiết là đối mặt với các vấn đề hiện tại một cách bình tĩnh và trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau. Cùng với đó là tăng cường đối thoại hơn nữa và tìm ra những giải pháp. Đây là một công thức đơn giản mà tôi có thể đưa ra”, quan chức ngoại giao Nga bày tỏ.

 Tuy nhiên, theo ông Ryabkov, Washington đang cố gắng gia tăng áp lực lên Moscow, đặc biệt là bằng việc công bố cái gọi là “Báo cáo Kremlin”. “Một mặt, người Mỹ khẳng định nỗ lực bình thường hóa quan hệ (với Nga - PV). Nhưng ở mặt khác, họ lại tiếp tục gia tăng sức ép. Rõ ràng, dường như họ đã tự thuyết phục bản thân rằng, áp lực này sẽ khiến chúng tôi thay đổi chính sách đối ngoại theo hướng họ muốn”. 
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov.

Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng, động thái công bố cái gọi là “Báo cáo Kremlin” của Mỹ gây tổn hại đến mối quan hệ vốn đang xấu đi giữa Moscow và Washington. “Họ muốn gì ư? Họ phải tự quyết định”, Tổng thống Putin nói. 

Bên cạnh đó, người đứng đầu Điện Kremlin nhấn mạnh Nga sẵn sàng xây dựng mối quan hệ dài lâu, ổn định và dựa trên luật lệ quốc tế, đồng thời nêu rõ: “Điều tôi phải nói về vấn đề này, không chỉ về “Báo cáo Kremlin” mà là về tổng thể, chúng ta cần nghĩ về chính nước Nga nhiều hơn. Nhận diện các vấn đề kinh tế, nông nghiệp và cải thiện xuất khẩu, y tế, giáo dục, đồng thời đẩy mạnh khả năng quốc phòng của nước Nga”.

Liên quan tới Báo cáo đánh giá tình hình hạt nhân 2018 (NPR) được Bộ Quốc phòng Mỹ công bố hôm 2-2 (giờ địa phương), Nga đã bày tỏ “thất vọng sâu sắc” với các nội dung trong tài liệu này, khẳng định rằng, những cáo buộc chống lại Nga về hành vi hung hăng, can thiệp, vi phạm các thỏa thuận kiểm soát vũ khí, được viết trong tài liệu trên, không liên quan gì tới thực tế. 

Moscow cho rằng, đây là một nỗ lực không công bằng để đổ trách nhiệm cho sự đi xuống của tình hình hạt nhân quốc tế. Nga gọi những tuyên bố liên quan đến lợi ích của Mỹ trong “các mối quan hệ ổn định” và cam kết mối hợp tác mang tính xây dựng, được đề cập trong chính sách này là “đạo đức giả”. 

Tuy nhiên, Nga kêu gọi Mỹ cùng tìm kiếm các giải pháp cho các vấn đề liên quan đến duy trì ổn định chiến lược, đồng thời, nhấn mạnh rằng, tất cả các nước có phát triển vũ khí hạt nhân phải tham gia vào giải trừ vũ khí hạt nhân, đặc biệt là Anh và Pháp – hai đồng minh lớn của Mỹ ở châu Âu. 

Cùng với Nga, Đức, Trung Quốc và Iran cũng đã lên tiếng chỉ trích bản báo cáo hạt nhân của Mỹ. Đức khẳng định châu Âu cần phải đi đầu trong việc thúc đẩy giải trừ vũ khí hạt nhân, sau khi Chính phủ Mỹ đề xuất nâng cấp và mở rộng kho vũ khí hạt nhân của nước này. 

Berlin cho rằng, cũng giống như thời Chiến tranh Lạnh, châu Âu hiện đang phải đối mặt với những mối nguy hiểm từ cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân mới. Đây cũng chính là lý do vì sao khu vực châu Âu cần phải bắt đầu đưa ra những sáng kiến mới về kiểm soát và giải trừ vũ khí. 

Đức khẳng định sẽ phối hợp với các đồng mình và đối tác để xúc tiến và tiến hành giải trừ vũ khí trên toàn thế giới. 

Trung Quốc thì tái khẳng định các hoạt động quân sự của nước này là nhằm phòng thủ và các lực lượng hạt nhân của nước này cũng ở mức “tối thiểu” để đảm bảo an ninh quốc gia, đồng thời kêu gọi Mỹ tôn trọng cam kết giảm kho vũ khí hạt nhân của mình. 

Trung Quốc cũng bày tỏ hy vọng Mỹ sẽ từ bỏ “tư tưởng Chiến tranh Lạnh”, cùng gánh vác trách nhiệm đặc biệt và hàng đầu nhằm giải trừ vũ khí hạt nhân, hiểu biết đúng đắn ý định chiến lược của Trung Quốc và có quan điểm công bằng về sự phát triển quân sự và quốc phòng của Trung Quốc.

Về phía Iran, Tehran tuyên bố chính sách hạt nhân mới của Mỹ đã vi phạm Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), đồng thời đưa thế giới đến gần hơn tới sự hủy diệt. Tehran cho rằng NPR phản ánh sự phụ thuộc lớn hơn vào vũ khí hạt nhân của nước này, một hành động vi phạm NPT và đưa loài người tiến gần hơn tới sự hủy diệt. 

Ngoài ra, Iran khẳng định, việc Mỹ “ngoan cố” hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 giữa Iran và nhóm P5+1 mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) cũng bắt nguồn từ sự “khinh suất nguy hiểm tương tự”.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.