Nga lên án Anh bắt tàu chở dầu Iran
- Iran dọa trả đũa Anh sau vụ bắt tàu chở dầu
- Căng thẳng Mỹ-Iran và nỗi lo lặp lại thảm kịch bắn rơi máy bay thương mại
- Bí mật radar "khủng nhất" thế giới của Iran
"Chúng tôi lên án việc bắt giữ tàu chở dầu cỡ lớn treo cờ Panama do chính quyền Gibraltar dưới sự hỗ trợ của Hải quân Hoàng gia Anh tiến hành", Bộ Ngoại giao Nga ngày 5-7 cho biết trong thông cáo chính thức, TASS đưa tin.
Tàu chở dầu MT Grace 1. Ảnh: RT |
Bộ Ngoại giao Nga nhận định hành động bắt giữ tàu chở dầu khởi hành từ Iran là một bước đi có chủ ý nhằm làm trầm trọng thêm căng thẳng liên quan đến Iran và Syria.
"Trong bất cứ trường hợp nào, chúng tôi đều cho rằng bước đi này là đối ngược với cam kết từ các nước lãnh đạo EU, bao gồm cả Anh, về việc duy trì thoả thuận hạt nhân (năm 2015) với Iran", Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ trong thông cáo chính thức.
Thông báo trên được Moscow phát đi sau khi chính quyền Gibraltar, vùng lãnh thổ hải ngoại của Anh, bắt giữ tàu chở dầu MT Grace 1 mang theo 2 triệu thùng dầu thô của Iran sáng 4-7 với cáo buộc chở dầu từ Iran tới nhà máy lọc dầu Banyas của Syria, thực thể nằm trong danh sách trừng phạt của EU.
Cùng ngày, Thủ tướng Anh Theresa May và Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton đều lên tiếng ủng hộ quyết định bắt giữ tàu tàu MT Grace 1.
Tuy nhiên, ở Tehran, chính quyền Iran đã triệu Đại sứ Anh Nicolas Hopton để phản đối hành động của Anh, đồng thời khẳng định con tàu đang trên đường đến Iraq chứ không phải Syria như cáo buộc của London.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Tây Ban Nha Josep Borrell tuyên bố Anh đã bắt tàu chở dầu nói trên theo yêu cầu của Mỹ. Ông Borrell nói rằng Tây Ban Nha có chủ quyền ở một phần vùng biển Gibraltar và vì vậy họ cũng sẽ tiến hành điều tra.
Động thái của Anh diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Iran leo thang sát nguy cơ xung đột vũ trang. London lâu nay luôn thể hiện thái độ ủng hộ mọi bước đi của Washington. Anh hiện chưa nói rõ vì sao họ biết con tàu sẽ cập cảng Syria thay vì Iraq.