Nga muốn Belarus sửa lại hiến pháp để giải quyết khủng hoảng

Thứ Ba, 25/08/2020, 08:51
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nhận định việc cải cách hiến pháp là một giải pháp khả thi nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị đang leo thang tại Belarus, đồng thời kêu gọi phe đối lập ngồi lại đàm phán.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov. Ảnh: TASS

Thông tấn Belarus BelTA dẫn lời Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 23/8 thông báo Moscow coi việc cải cách hiến pháp của Belarus là một giải pháp khả thi với cuộc khủng hoảng chính trị đang leo thang từ sau cuộc bầu cử ngày 9/8 với phần thắng thuộc về Tổng thống Belarus Aleksandr Lukashenko.

"Không nên áp đặt bất cứ công thức nào (cho Belarus)", Ngoại trưởng Lavrov nói. "Tổng thống Aleksandr Lukashenko đã nhiều lần kêu gọi đối thoại, gồm cuộc đối thoại về cải cách hiến pháp. Quan điểm của chúng tôi là con đường này rất hứa hẹn".

Theo nhà ngoại giao hàng đầu của Nga, người Belarus có thể tự giải quyết vấn đề nội bộ. "Điều quan trọng nhất lúc này là ngăn chặn các hành động khiêu khích gây bất ổn từ bên ngoài", ông Lavrov kêu gọi và cảnh báo các bên không áp dụng "kịch bản Ukraine" vào Belarus.

Phát biểu được ông Lavrov đưa ra trong bối cảnh hàng vạn người dân đã đổ xuống đường những ngày qua ở Belarus để biểu tình phản đối kết quả bầu cử ngày 9/8.

Trong khi đám đông liên tiếp gây sức ép để Tổng thống Lukashenko từ chức, đối thủ của ông trong cuộc bầu cử là bà Svetlana Tikhanovskaya, người nhận khoảng 10% số phiếu bầu và đã trốn ra nước ngoài, tuyên bố không công nhận kết quả bầu cử và cổ vũ làn sóng biểu tình trong nước.

Những ngày qua, nhiều quốc gia châu Âu, gồm Pháp, Đức và các nước Baltic đã lên tiếng ủng hộ với người biểu tình, chỉ trích ông Lukashenko. Liên minh châu Âu (EU) ngày 19/8 chính thức tuyên bố không công nhận kết quả bầu cử Tổng thống ở Belarus, cáo buộc cuộc bầu cử "không tự do, không công bằng".

Cách đây vài hôm, ông Lukashenko cáo buộc phe đối lập đang "âm mưu tiếm quyền" và rằng các cuộc biểu tình là một phần âm mưu gây bất ổn cho Belarus. Nhà lãnh đạo 65 tuổi nhấn mạnh ông sẵn sàng chia sẻ quyền lực, song thông qua việc sửa đổi hiến pháp chứ không phải bầu cử lại.

Thiện Nhân
.
.
.