Nga không thể trở lại G7/G8 với chỉ một nước ủng hộ
Đây là nhận định của Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đưa ra ngày 26-8.
Các lãnh đạo tham dự Hội nghị G8 lần thứ 33 tại Đức. Ảnh Wiki. |
Theo ông Dmitry Peskov, Nga không thể quay trở lại làm thành viên của “câu lạc bộ” những nước có nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới G7/G8 nếu chỉ có lời mời từ “chỉ một nước”, bởi tất cả các quyết định của nhóm này đều được đưa ra dựa trên sự đồng thuận từ tất cả các nước.
Ông Peskov nhấn mạnh, Nga không xác định “tư cách thành viên G7 hay trở lại làm thành viên của G7” là một mục tiêu của nước này.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng ngày cũng đã cho biết việc Nga trở lại G7/G8 sẽ mang lại lợi ích to lớn. “Có nhiều người muốn Nga quay trở lại. Tôi nghĩ điều này sẽ rất có lợi cho thế giới. Tôi nghĩ đây là một điều tích cực”, ông Trump cho biết. Trước đó, ngày 24-8, các nhà lãnh đạo G7 đã thảo luận về vấn đề kết nạp lại Nga vào nhóm.
Tuy nhiên, các quan chức Pháp cho biết Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vẫn giữ nguyên quan điểm rằng Nga cần phải chấm dứt cuộc chiến với Ukraine. “Việc Nga quay trở lại G8 hiện không phải là một chủ đề để tranh luận. Tất cả các đối tác của G7 đều quyết định đình chỉ Nga khỏi nhóm do sáp nhập Crimea và đây là hành động vi phạm luật pháp quốc tế”, Văn phòng Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biêt.
Chủ tịch Hội đồng EU Donald Tusk thậm chí còn thẳng thắn hơn: “Chúng tôi không thể đồng ý với điều này trong bất kỳ điều kiện nào”.
G8 được khởi đầu từ cuộc khủng hoảng dầu khí năm 1973, và suy thoái kinh tế toàn cầu theo sau đó. Đây là nhóm 8 quốc gia có nền công nghiệp hàng đầu của thế giới bao gồm (Pháp, Đức, Ý, Nhật, Anh, Hoa Kỳ (G6, 1975), Canada (G7, 1976)) và Nga (gia nhập từ năm 1998 nhưng đến năm 2014 thì bị loại bỏ khỏi G8). Nga bị loại trừ khỏi G8 vào năm 2014 sau sự kiện sáp nhập bán đảo Crimea.
Điểm nhấn của G8 là Hội nghị thượng đỉnh kinh tế và chính trị được tổ chức hàng năm với sự tham dự của những người đứng đầu nhà nước với các quan chức quốc tế, đồng thời cũng có nhiều hội nghị bên lề và khảo sát chính sách.
Ghế chủ tịch của “câu lạc bộ nhà giàu” này được luân phiên hàng năm giữa các nước thành viên, với trách nhiệm chủ tịch tính từ ngày 1-1. Nước giữ ghế chủ tịch tổ chức một loạt các hội nghị cấp bộ trưởng, từ đó dẫn đến hội nghị thượng đỉnh giữa các nguyên thủ trong 3 ngày vào giữa năm, cũng như việc bảo đảm an ninh cho người tham dự.