Nga - Mỹ trước nguy cơ đối đầu trực diện tại chảo lửa Syria
- "Chảo lửa" Syria ngày càng nóng, Thủ tướng Israel lại tìm đến Tổng thống Putin
- Chiến sự rất ác liệt tại “chảo lửa” Syria
Nga dọn đường cho "trận chiến cuối cùng"
BBC dẫn nguồn tin Tổ chức giám sát nhân quyền Syria (SOHR) có trụ sở ở Anh hôm 4-9 (giờ địa phương) cho biết, các máy bay Nga đã tiến hành khoảng 30 cuộc không kích vào 16 khu vực do phiến quân kiểm soát ở phía Tây tỉnh Idlib, vùng núi tỉnh Latakia và vùng đồng bằng Sahl al-Ghab. Theo SOHR, đây là các cuộc không kích đầu tiên của Nga trong 3 tuần qua.
Với màn giội bom ồ ạt này, chiến dịch tấn công giải phóng Idlib của quân đội Syria được cho là sẽ bắt đầu chỉ trong vài ngày tới. Chiến dịch giội bom ở Idlib diễn ra trong bối cảnh Nga đang tiến hành cuộc tập trận quy mô lớn nhất trên biển Địa Trung Hải, ngoài khơi Syria. Cuộc diễn tập có sự tham gia của 26 tàu chiến Nga, trong đó có 2 tàu ngầm cùng 34 máy bay chiến đấu các loại.
Trong lúc này, truyền thông địa phương cho biết, Sư đoàn 4 thiết giáp, lực lượng đặc nhiệm tinh nhuệ Tiger Force đã di chuyển từ miền nam Syria về Idlib. Trước đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov trong một tuyên bố cũng khẳng định, cần phải quét sạch những kẻ khủng bố đang ẩn náu ở Idlib, đồng thời cáo buộc những kẻ khủng bố đang sử dụng dân thường làm lá chắn sống.
LHQ lo ngại xung đột quy mô lớn nếu nổ ra ở Idlib có thể trở thành "trận chiến đẫm máu". Ảnh: Reuters |
Idlib bị các tay súng cực đoan chiếm đóng từ năm 2015. Theo đánh giá của giới phân tích, Idlib là khu vực hết sức phức tạp do đây là thành trì cuối cùng của lực lượng nổi dậy chống chính quyền Syria và cũng là nơi ẩn náu của nhiều phần tử khủng bố.
Nếu thành trì này bị xóa sổ, chính quyền của Tổng thống Assad sẽ kiểm soát gần như toàn bộ lãnh thổ, giành thắng lợi trước phe đối lập sau nhiều năm giao tranh và hướng tới công cuộc tái thiết đất nước. Vì vậy, mặc cho Mỹ cảnh báo và thậm chí đe dọa, Chính phủ Syria vẫn quyết tâm giải phóng Idlib và nhận được sự ủng hộ tích cực của Nga và Iran trong vấn đề này.
Mỹ đe dọa "phản ứng ngay lập tức"
Cũng trong ngày 4-9, thư ký Nhà Trắng Sarah Sanders khẳng định Mỹ hiện đang theo dõi chặt chẽ những diễn biến trong khu vực Idlib và tuyên bố Washington và các đồng minh của mình sẽ "phản ứng ngay lập tức ở mức độ phù hợp" nếu như Tổng thống Syria Bashar al-Assad sử dụng vũ khí hóa học.
Trước đó, trong thông báo chia sẻ trên trang mạng Twitter hôm 3-9, Tổng thống Mỹ Donald Trump nêu rõ: "Nga và Iran sẽ phạm phải sai lầm nhân đạo nghiêm trọng nếu can dự vào thảm kịch này. Hàng trăm nghìn người có thể bị giết hại. Đừng để điều đó xảy ra".
Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc (LHQ) Nikki Haley ngày 4-9 thông báo, Hội đồng Bảo an LHQ sẽ nhóm họp vào ngày 7-9 nhằm giải quyết tình hình tại tỉnh Idlib. Theo đó, Mỹ, quốc gia hiện đang giữ chức Chủ tịch Hội đồng Bảo an, đã kêu gọi cuộc họp thảo luận về khả năng các lực lượng Syria sẽ tấn công bằng vũ khí hóa học nhằm vào quân nổi dậy và dân thường tại khu vực.
Đại sứ Mỹ tại LHQ cũng một lần nữa cảnh báo Mỹ sẽ đáp trả nếu điều này xảy ra. Cần lưu ý rằng, Mỹ đã từng tiến hành 2 cuộc không kích giới hạn nhằm vào Syria do nghi ngờ Syria sử dụng vũ khí hóa học vào đầu năm ngoái. Mặc dù cho đến nay, Mỹ và các đồng minh vẫn chưa đưa ra được chứng cứ nào cho cáo buộc này.
Tuy nhiên, Mỹ cũng để ngỏ một giải pháp ngoại giao cho việc giải quyết tình hình tại Idlib. Phát biểu trước báo giới hôm 4-9, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nêu rõ: "Đẩy tính mạng của tất cả những người dân vô tội vào chỗ nguy hiểm hay tạo ra một cuộc khủng hoảng không phải là cách (để chống khủng bố), và tôi nghĩ đó là điều mà bạn đã thấy Tổng thống (Donald Trump) phát biểu vào đêm qua rằng chúng tôi sẵn lòng giải quyết vấn đề khủng bố tại nơi này. Chúng tôi đang hy vọng vấn đề này có thể được giải quyết bằng phương pháp ngoại giao".
Nguy cơ thảm họa nhân đạo hiện hữu
Có khoảng 3 triệu người dân, trong đó có 1 triệu trẻ em đang sinh sống tại Idlib. LHQ lo ngại xung đột quy mô lớn nếu nổ ra ở Idlib có thể trở thành "trận chiến đẫm máu" gây thương vong lớn cho các bên, theo Reuters.
Đặc phái viên của LHQ về Syria Staffan de Mistura ngày 4-9 trong một tuyên bố nhận định các cuộc đàm phán đang diễn ra giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ là "chìa khóa" để đẩy lùi một cuộc tấn công tại khu vực. Ông kêu gọi Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tiến hành họp khẩn qua điện thoại trước Hội nghị cấp cao với Iran vào ngày 7-9 nhằm tránh nguy cơ một cuộc chiến đổ máu tại Idlib.
Phát biểu ngày 5-9, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cho rằng một cuộc tấn công nhằm vào Idlib của Syria do phiến quân kiểm soát sẽ là một cuộc thảm sát và bày tỏ kỳ vọng hội nghị thượng đỉnh tại Tehran sẽ đạt được những kết quả tích cực.
Giới phân tích nhận định, sự đối đầu giữa các cường quốc tại chảo lửa Syria rất có thể sẽ trở thành nguồn cơn kéo theo một cuộc xung đột vũ trang mới, với hậu quả nhân đạo được dự báo sẽ rất thảm khốc nếu xảy ra.