Nga – Mỹ bất đồng dự thảo Liên hợp quốc trừng phạt Triều Tiên

Thứ Hai, 11/09/2017, 08:50
Sau khi đệ trình lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) dự thảo nghị quyết trừng phạt mới nhằm vào CHDCND Triều Tiên hồi đầu tuần qua, Mỹ đã chính thức yêu cầu HĐBA LHQ tổ chức một cuộc bỏ phiếu vào ngày 11-9 về dự thảo này. Tuy nhiên, Nga cho rằng, vẫn còn quá sớm để bàn về chuyện HĐBA bỏ phiếu cho các lệnh trừng phạt mới nhằm vào CHDCND Triều Tiên.


Theo thông báo của phái đoàn Mỹ tại LHQ, Washington muốn HĐBA áp đặt lệnh cấm vận dầu mỏ tại CHDCND Triều Tiên, đồng thời cấm nước này xuất khẩu hàng dệt may. 

Chưa hết, dự thảo nghị quyết còn đề xuất đóng băng mọi tài sản ở nước ngoài của Chính phủ CHDCND Triều Tiên và nhà lãnh đạo Kim Jong-un cũng như cấm tuyển dụng lao động nước này ở nước ngoài. 

Dự thảo cũng xác định 9 tàu bị cáo buộc tiến hành hoạt động bị cấm bởi những nghị quyết LHQ trước đó và cho phép bất kỳ quốc gia thành viên LHQ nào chặn các tàu này ngoài biển, sử dụng “mọi biện pháp cần thiết” để kiểm tra và đưa vào bờ mà không cần thủy thủ đoàn đồng ý. 

Theo các nhà ngoại giao LHQ, Washington muốn gây sức ép tối đa đối với Bình Nhưỡng để buộc nước này ngồi vào bàn đàm phán, đồng thời chấm dứt chương trình tên lửa và hạt nhân của mình, mà bất chấp nguy cơ đối đầu với Trung Quốc và Nga. 

Trong khi đó, một số nhà phân tích thì cho rằng, việc Washington yêu cầu HĐBA bỏ phiếu chóng vánh là nhằm gây sức ép tối đa lên Trung Quốc, cũng như cho thấy nỗi lo ngày càng tăng của Mỹ sau một loạt động thái khiêu khích gần đây của CHDCND Triều Tiên, nhất là vụ thử hạt nhân mới nhất và vụ phóng tên lửa qua lãnh thổ Nhật Bản. 

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un kiểm tra quả bom H tại một địa điểm bí mật ngày 3-9.

Sự sốt ruột của Mỹ cho thấy chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump nhận định thời gian đối phó với CHDCND Triều Tiên đang cạn dần. Một khả năng khác là Washington muốn tìm hiểu xem Bắc Kinh có sẵn sàng gây sức ép lên Bình Nhưỡng vào thời điểm này hay không.

Nga cũng đã lên án những hành động khiêu khích của giới lãnh đạo CHDCND Triều Tiên khi tiến hành phóng tên lửa đạn đạo và thử hạt nhân vì điều này vi phạm các nghị quyết của HĐBA, đồng thời khẳng định, điều quan trọng đối với Moscow là tăng sức ép lên Bình Nhưỡng để kiềm chế nước này thực hiện những chương trình hạt nhân và tên lửa. 

Nga nhấn mạnh việc tập trung ưu tiên vào các giải pháp chính trị và ngoại giao để giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên. Liên quan tới dự thảo nghị quyết của Mỹ, Điện Kremlin đã lên tiếng phản đối nghị quyết này, nhấn mạnh rằng điều này làm xáo trộn sự ổn định chiến lược trong khu vực bởi vì không làm dịu căng thẳng khu vực quân sự và không mang lại triển vọng lâu dài để giải quyết các vấn đề hiện có, mà chỉ làm trầm trọng thêm tình hình. 

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov thì cho rằng vẫn còn quá sớm để bàn về chuyện HĐBA bỏ phiếu cho các lệnh trừng phạt mới nhằm vào CHDCND Triều Tiên. 

Theo Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, điều cần thiết là nỗ lực ưu tiên nối lại tiến trình chính trị song song với việc gia tăng sức ép buộc Bình Nhưỡng phải từ bỏ các hành động khiêu khích liên quan tới chương trình tên lửa và hạt nhân của nước này. 

Nga cũng phản đối việc trục xuất các công dân Triều Tiên sống tại nước này về quê hương – những người đóng góp một nguồn thu nhập quan trọng cho Chính phủ CHDCND Triều Tiên. 

Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng, các biện pháp trừng phạt mới sẽ không giúp thuyết phục nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân của mình. Người đứng đầu Điện Kremlin tuyên bố, là nước Ủy viên Thường trực của HĐBA LHQ, Nga sẽ phủ quyết dự thảo này. Trong khi đó, các quan chức Trung Quốc bày tỏ lo ngại rằng lệnh cấm vận dầu mỏ sẽ châm ngòi một sự bất ổn lớn tại nước láng giềng.

Về phía CHDCND Triều Tiên, hiện nước này vẫn đang tiếp tục hứng chịu sức ép của các cường quốc khi hôm 9-9 (giờ địa phương), lãnh đạo 3 nước Pháp, Mỹ và Nhật Bản đã có cuộc điện đàm thảo luận về việc gia tăng sức ép và các biện pháp trừng phạt đối với Bình Nhưỡng. 

Thông báo từ Văn phòng Tổng thống Pháp cho biết, trong cuộc điện đàm, Tổng thống Emmanuel Macron cùng người đồng cấp Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã nhấn mạnh rằng, cộng đồng quốc tế cần có phản ứng “thống nhất và kiên quyết” đối với CHDCND Triều Tiên. 

Tổng thống Macron nhận định, những hành động vừa qua của Bình Nhưỡng là “mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh quốc tế”, đồng thời khẳng định “tình đoàn kết” với Nhật Bản. 

Mặc dù vậy, phát biểu tại bữa tiệc mừng ngày Quốc khánh Triều Tiên (9-9) có sự tham gia của các tướng lĩnh quân đội hàng đầu nước này, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã ca ngợi vụ thử bom nhiệt hạch (bom H) hôm 3-9 là “chiến thắng vĩ đại của nhân dân Triều Tiên nhờ sự hy sinh xương máu của các nhà khoa học dù trong hoàn cảnh khó khăn”; đồng thời đánh giá cao những nỗ lực của các chuyên gia và quan chức đóng góp vào chiến thắng này. 

Ông Kim Jong-un kêu gọi các quan chức CHDCND Triều Tiên “chiến đấu theo tinh thần và cốt cách của các chiến binh hạt nhân”.

Khổng Hà
.
.
.