Nga- Đức quyết thay mặt quốc tế giải quyết xung đột ở Libya

Thứ Ba, 14/01/2020, 18:38
Lãnh đạo Nga và Đức đang nỗ lực thảo luận về khả năng tổ chức một cuộc đàm phán hòa bình quốc tế về vấn đề Libya tại Berlin, trong bối cảnh căng thẳng tại quốc gia châu Phi leo thang chóng mặt.

Thông tấn Nga TASS cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã có cuộc trò chuyện qua điện thoại sáng 14-1 để thảo luận về việc chuẩn bị cho một hội nghị quốc tế nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng ở Libya.

Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp mặt hôm 11-1. Ảnh: EPA

Cuộc điện đàm được tổ chức theo sáng kiến của phía Đức, hơn hai ngày sau khi hai nhà lãnh đạo có cuộc hội đàm ở Nga để thảo luận về tình hình Trung Đông.

Theo TASS, ông Putin đã thông báo cho nữ Thủ tướng Đức về kết quả cuộc thảo luận vừa diễn ra tại thủ đô Moscow về tình hình Libya ngày 13-1, trong đó các bên đã không thể đi đến một lệnh ngừng bắn toàn diện.

Ngoại trưởng Nga nói rằng một số bên liên quan đến cuộc xung đột ở Libya đã ký thỏa thuận ngừng bắn, song Tướng Khalifa Haftar, người đứng đầu lực lượng Quân đội miền Đông Libya (LNA) xin thêm thời gian để cân nhắc.

Hãng Interfax dẫn thông tin từ một thành viên của phái đoàn Nga thì tiết lộ lãnh đạo các bên đối địch ở Libya đã không chính thức gặp nhau trong các cuộc đàm phán ở Moscow, tức các bên gửi yêu cầu của mình thông qua phái đoàn hoặc thông qua Nga.

Nga và Đức gần đây cho thấy vai trò tích cực trong nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng ở Libya, trong bối cảnh xung đột bùng nổ trở lại từ tháng 5-2018 tại quốc gia châu Phi này sau vài năm âm ỉ từ thời điểm cuộc chính biến năm 2011 lật đổ nhà lãnh đạo Moamer Gadhafi do Phương Tây tiến hành.

Ở Libya hiện có hai chính quyền cùng tồn tại với lực lượng vũ trang riêng. Phía Tây Libya đang được kiểm soát bởi Chính phủ đoàn kết dân tộc (GNA) do Liên Hợp Quốc ủng hộ, đặt trụ sở tại thủ đô Tripoli. Trong khi đó, miền Đông nước này được điều hành bởi một nghị viện riêng do LNA của tướng Haftar kiểm soát.

GNA được Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar ủng hộ, trong khi LNA được Ai Cập và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) hỗ trợ. LNA cũng nhận được sự ủng hộ chính trị từ Mỹ, Nga và Pháp. Cách đây vài ngày, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã hậu thuẫn một lệnh ngừng bắn tạm thời, song các cuộc giao tranh vẫn tiếp diễn.

Thiện Nhân
.
.
.