Nam diễn viên nổi tiếng Myanmar bị bắt vì ủng hộ biểu tình
Biểu tình ở Myanmar chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Ảnh minh họa Reuters. |
Nam diễn viên, Lu Min, là một trong 6 người nổi tiếng bị quân đội Myanmar truy nã theo luật chống kích động vì khuyến khích công chức tham gia biểu tình. Với cáo buộc này, nam diễn viên có thể chịu bản án hai năm tù. Lu Min đã tham gia một số cuộc biểu tình ở Yangon.
Vợ của nam diễn viên này, Khin Sabai Oo, cho biết trong một đoạn video được đăng trên trang Facebook của anh rằng cảnh sát đã đến nhà của họ ở Yangon và bắt người này đi. “Họ ép chúng tôi mở cửa và đưa anh ấy đi và không cho tôi biết họ sẽ đưa anh ấy đi đâu. Tôi không thể ngăn họ lại”.
Ngày 20/2 đã trở thành ngày đẫm máu nhất trong hơn hai tuần biểu tình ở các thành phố và thị trấn trên khắp Myanmar, yêu cầu chấm dứt chế độ quân sự và phóng thích nhà lãnh đạo được bầu Aung San Suu Kyi và những người có liên quan. Phần lớn các cuộc biểu tình trong suốt hai tuần qua diễn ra trong hòa bình.
Tuy nhiên, nhiều người biểu tình là người dân tộc thiểu số, nhà thơ, rapper và công nhân vận tải đã xuống đường ở nhiều nơi khác nhau trong ngày 20/2, căng thẳng leo thang nhanh chóng ở Mandalay, nơi cảnh sát và binh lính đối đầu với các công nhân nhà máy đóng tàu.
Một số người biểu tình đã dùng máy bắn đá tấn công cảnh sát. Cảnh sát đáp trả bằng hơi cay và súng đạn. Ko Aung, người đứng đầu dịch vụ khẩn cấp tình nguyện Parahita Darhi, cho biết hai người đã bị bắn chết và 20 người bị thương trong ngày 20/2.
Nhiều nước đang bày tỏ lo ngại về tình hình ở Myanmar. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết Washington “quan ngại sâu sắc” trước các báo cáo rằng lực lượng an ninh Myanmar đã nổ súng vào những người biểu tình và tiếp tục giam giữ và quấy rối những người biểu tình và những người khác.
Trong khi đó, Anh cho biết họ sẽ xem xét hành động tiếp theo đối với những người liên quan đến bạo lực chống lại người biểu tình. Bộ Ngoại giao Pháp gọi bạo lực tại Myanmar là “không thể chấp nhận được”.
Mỹ, Anh, Canada và New Zealand đã công bố các biện pháp trừng phạt hạn chế kể từ sau cuộc đảo chính quân sự ở Myanmar, trong đó tập trung vào các nhà lãnh đạo quân sự.