Nấc thang căng thẳng mới trong quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ

Chủ Nhật, 03/12/2017, 08:54
Hôm 1-12 (giờ địa phương), nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ đã phát lệnh truy nã đối với Graham Fuller, cựu Phó Chủ tịch Hội đồng Tình báo quốc gia thuộc Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA), với cáo buộc có dính líu tới âm mưu đảo chính bất thành tại Thổ Nhĩ Kỳ hồi năm ngoái. 

Nhân vật này đã tham gia các hoạt động của CIA ở Thổ Nhĩ Kỳ, Arabia Saudi, Lebanon, Yemen trong suốt 20 năm qua.

Văn phòng Trưởng Công tố Istanbul đã phát lệnh truy nã ông Fuller với các cáo buộc tìm cách lật đổ Chính phủ Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ, cản trở các nhiệm vụ quốc gia, tiếp cận thông tin mật quốc gia vì mục đích do thám chính trị và quân sự, cũng như tìm cách lật đổ trật tự hiến pháp tại nước này.

Đây được xem là kết quả cuộc điều tra hồi tháng 4 năm nay nhằm vào 17 cá nhân là các quan chức và cựu quan chức Mỹ bị cho là có liên quan tới Giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen - người bị chính quyền Ankara cáo buộc đứng sau vụ đảo chính bất thành hồi tháng 7-2016 và hiện đang sống lưu vong tại Mỹ.

Từ đó tới nay, Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt giữ hơn 50.000 người, bao gồm cả giáo viên, cảnh sát, nhà báo cũng như nhân viên của lãnh sự Mỹ bị tình nghi liên quan tới mạng lưới Gulen. Ngoài ra, khoảng 150.000 người bị sa thải hoặc đình chỉ công tác.

Ông Graham Fuller, người mới bị nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ phát lệnh truy nã.

Gần đây nhất, hôm 29-11, các công tố viên Thổ Nhĩ Kỳ đã ra lệnh bắt giữ 360 binh sỹ trong một chiến dịch truy quét nhằm vào những người ủng hộ phong trào Giáo sĩ Gulen trong quân đội.

Hành động trấn áp nhằm vào các đối tượng tình nghi của Thổ Nhĩ Kỳ đã vấp phải sự chỉ trích của một số nước phương Tây.

Điều phối viên về chống khủng bố của Liên minh châu Âu (EU) Gilles de Kerchove mới đây cho biết, EU không cùng chung quan điểm với Ankara về việc coi mạng lưới của giáo sỹ Hồi giáo sống lưu vong tại Mỹ Fethullah Gulen là một tổ chức khủng bố, đồng thời nhấn mạnh EU cần những bằng chứng “cụ thể” để có thể thay đổi lập trường của mình. 

Tuy nhiên, chính quyền Ankara nhấn mạnh, chỉ có hành động như vậy mới có thể dập tắt được mối đe dọa từ mạng lưới do Giáo sĩ Gulen đứng đầu vốn đã thâm nhập vào những cơ quan như quân đội, tòa án và trường học.

Theo giới phân tích chính trị, bề ngoài, phong trào Gulen do Fethullah Gulen sáng kiến xây dựng, nhưng trên thực tế là một trong những đề án lớn nhất và tham vọng nhất của CIA sau Chiến tranh lạnh không chỉ nhằm vẽ lại bản đồ Đại Trung Đông mà thậm chí còn nhằm tái cấu trúc lại toàn bộ bức tranh chính trị thế giới thông qua hoạt động truyền bá tư tưởng Hồi giáo. 

Và Graham Fuller được cho là một trong những mũi tên giúp phong trào này phát tán ra khắp thế giới, đặc biệt là Trung Đông và các nước trong không gian hậu Xô Viết.

Bên cạnh việc phát lệnh truy nã một cựu quan chức CIA, phản ứng trước việc hôm 28-11, cựu Phó tổng giám đốc phụ trách mảng ngân hàng quốc tế của ngân hàng nhà nước Halkbank của Thổ Nhĩ Kỳ Mehmet Hakan Atilla phải ra hầu tòa tại New York với cáo buộc “vi phạm các lệnh cấm vận chống Iran”, Ankara khẳng định hành động này của Mỹ là một vở kịch được dàn dựng, có sự tham gia của Giáo sĩ Gulen.

Phó Chủ tịch đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền, ông Mahir Unal cho rằng, vụ việc này là một “âm mưu chính trị” và thiếu cơ sở pháp lý, đồng thời nhấn mạnh: “Tôi biết ai là người đạo diễn vở kịch và mục đích (của họ) là gì”.

Ông Mahir Unal cũng tái khẳng định quan điểm của Ankara cho rằng, giới chức tư pháp Mỹ hợp tác với mạng lưới của Giáo sĩ Gulen nhằm chống lại Thổ Nhĩ Kỳ. Về phía Mỹ, Trợ lý Bộ trưởng Tư pháp David Denton khẳng định, ông Atilla đã lừa gạt, tạo điều kiện để Iran tiếp cận các ngân hàng Mỹ và gây đe dọa tới an ninh quốc gia của Mỹ.

Căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ nảy sinh khi nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ một nhân viên Lãnh sự quán Mỹ tại thành phố Istanbul, do nghi ngờ có quan hệ với nhóm mà chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc đứng sau cuộc đảo chính bất thành hồi tháng 7-2016.

Phản đối vụ bắt giữ này, Mỹ đã quyết định ngừng cấp thị thực không định cư cho các nhân viên ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ, dẫn tới việc Ankara áp dụng biện pháp trả đũa tương tự và ra lệnh bắt giữ thêm một nhân viên khác làm việc cho lãnh sự quán Mỹ. Đây là một trong những căng thẳng ngoại giao nghiêm trọng nhất trong nhiều thập kỷ qua giữa hai quốc gia vốn là đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) này.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.