Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ: Lên kế hoạch cho kịch bản chiến tranh hóa học ở Syria

Thứ Hai, 13/08/2012, 13:59
Giữa lúc giao tranh ác liệt giữa lực lượng chống đối và quân đội chính phủ ngày càng leo thang ở Syria, hôm 11/8, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã tới Thổ Nhĩ Kỳ, gặp gỡ người đồng cấp Ahmet Davutoglu để bàn thảo, xây dựng kế hoạch cho kịch bản chiến tranh hóa học ở Syria. Trong khi đó, Liên Hợp Quốc (LHQ) và Liên đoàn Arab (AL) đang đẩy mạnh tham vấn để bổ nhiệm đặc phái viên mới thay thế ông Kofi Annan sẽ mãn nhiệm vào ngày 31/8.  

Tại cuộc họp báo chung sau cuộc gặp ở Istanbul, Ngoại trưởng Hillary Clinton và Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu đã tuyên bố thành lập một nhóm công tác chung có nhiệm vụ giải quyết cuộc khủng hoảng ở Syria ngay cả khi tình hình trở nên nghiêm trọng hơn. Nhóm công tác này sẽ phối hợp với lực lượng quân đội, tình báo, các chính trị gia để đưa ra những đánh giá kịp thời về diễn biến khủng hoảng ở Syria dựa trên những thông tin thực tế.

Đặc biệt, nhóm này còn có nhiệm vụ cảnh báo sớm khả năng xảy ra các cuộc tấn công hóa học cũng như những điều kiện đối với số lượng người nhập cư trái phép từ Syria sang Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoại trưởng Hillary Clinton nói: “Chúng tôi đã đạt được thỏa thuận chung về cách đối phó với cuộc khủng hoảng ở Syria. Điều mà Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ lo lắng nhất hiện nay là nguy cơ xảy ra chiến tranh hóa học. Nhiệm vụ trước mắt là lên kế hoạch dự phòng trong trường hợp xảy ra tấn công bằng vũ khí hóa học ở Syria và thực hiện hỗ trợ nhân đạo, y tế khẩn cấp”.

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton trong chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ hôm 11/8 cũng đã gặp gỡ các nhà hoạt động người Syria.

Được biết, cụm từ “vũ khí hóa học” được nhắc đến nhiều trong cuộc khủng hoảng ở Syria từ đầu tháng 7, nhất là sau khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Syria đe dọa rằng nước này sẽ sử dụng vũ khí sinh hóa học nếu bị quân đội nước ngoài tấn công. Tuy nhiên, ngay sau đó, người phát ngôn này cũng khẳng định, chính phủ Syria không bao giờ sử dụng vũ khí hóa học để chống lại người dân.

Kể từ đó, mối lo về kho vũ khí hủy diệt hàng loạt của Syria khiến nhiều quốc gia phương Tây “mất ăn mất ngủ” bởi dù rất muốn lật đổ chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad, họ vẫn không dám thực hiện các biện pháp quân sự mạnh hơn. Thông tin mà các cơ quan tình báo nước ngoài có được thì cho hay, Syria có tiềm lực quân sự khá mạnh, và nổi tiếng với các loại khí gas độc, tên lửa Scud có khả năng mang đầu đạn vũ khí hóa học và nhiều loại vũ khí hiện đại khác...

Trong khi Ngoại trưởng Mỹ bày tỏ những lo ngại về nguy cơ xảy ra chiến tranh hóa học thì Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu hé lộ rằng, hai quốc gia này đang bàn thảo về việc thiết lập một vùng cấm bay ở Syria nhằm mục đích giải quyết khủng hoảng nhân đạo. Ông Ahmed Davutoglu khẳng định, hiện có 55.000 người Syria đã xin tị nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Các đọ súng dữ dội giữa quân đội chính phủ và lực lượng chống đối cũng khiến nhiều người Syria ở Idlib, Latakia, Aleppo tìm cách chạy loạn sang Lebanon, JordanIraq... Vì thế, cả hai Ngoại trưởng đều nhấn mạnh đến việc quốc tế sớm thúc đẩy quá trình chuyển giao quyền lực ở Syria để “đưa nước này vào quá trình hoạt động mới”. Còn phương Tây vẫn tiếp tục gia tăng sức ép với chính quyền Damascus.

Hôm 11/8, Bộ Ngoại giao Anh thông báo, chính quyền London sẽ chuyển cho lực lượng chống đối ở Syria thêm 5 triệu bảng (hơn 7,8 triệu USD) để mua sắm trang thiết bị liên lạc cũng như thuốc men sử dụng trong cuộc chiến chống lại Tổng thống Bashar al-Assad. Pháp thì cho triển khai một bệnh viện dã chiến ở Jordan, để giúp đỡ những người tị nạn – một hành động được coi là góp phần hỗ trợ cho lực lượng chống đối ở Syria...

Theo nguồn tin từ AL, ngày 12/8, Ngoại trưởng các nước Arab đã tổ chức cuộc họp đặc biệt về Syria tại Saudi Arabia. Phó Tổng thư ký AL Ben Helli cho biết, các Ngoại trưởng sẽ thảo luận về các bước đi cần thiết sau khi Đặc phái viên quốc tế về Syria, ông Kofi Annan từ chức. Chủ tịch Hội đồng Bảo an LHQ trong tháng này, Đại sứ Pháp tại LHQ Gerard Araud nhấn mạnh, LHQ cũng đang đau đầu với việc tìm ra một Đặc phái viên mới thay thế ông Kofi Annan.

Đại sứ Gerard Araud nói: “Theo hiểu biết của tôi, đặc phái viên mới sẽ được bổ nhiệm vào ngày 13 hoặc 14 tháng 8. Đến thời điểm này, kế hoạch hoà bình sáu điểm chỉ là “trò chơi” ở thành thị và là văn kiện duy nhất đã được tất cả các thành viên Hội đồng Bảo an LHQ chấp thuận”. Vào ngày 30/8 tới, một cuộc họp cấp Bộ trưởng của 15 nước thành viên Hội đồng Bảo an LHQ sẽ được tổ chức nhằm thảo luận về cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Syria.

Mới đây, Tổng thống Pháp Francois Hollande đã tuyên bố, Pháp chỉ dừng lại ở những hỗ trợ nhân đạo cho phe đối lập tại Syria và sẽ theo đuổi giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng tại quốc gia Trung Đông này

Gia Nam
.
.
.