NATO cam kết bảo vệ ổn định trong khu vực láng giềng

Thứ Bảy, 21/05/2016, 10:55
Đây là nội dung chính được Ngoại trưởng các quốc gia thành viên của tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đưa ra trong cuộc họp kéo dài 2 ngày, bắt đầu từ ngày 20-5 tại thủ đô Brussels của Bỉ.

Đồng thời, cuộc họp này cũng là sự khẳng định thay đổi về chiến lược của NATO, từ bỏ dần các hoạt động quân sự bên ngoài để tập trung củng cố địa bàn Đông Âu.

Phát biểu tại cuộc họp, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết, các nội dung được bàn thảo trong 2 ngày tại Brussels là nhằm chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh NATO sắp diễn ra tại Ba Lan vào tháng 7 tới. Hiện, liên minh này đã đạt được “sự đồng thuận rộng rãi” về việc tổ chức thêm một cuộc họp của Hội đồng NATO-Nga trước khi Hội nghị thượng đỉnh diễn ra.

Ông Jens Stoltenberg khẳng định, hiện NATO đã rút chân ra khỏi hầu hết các địa bàn bên ngoài như Kosovo, Libya, Afghanistan… để tập trung sức mạnh, bảo vệ các địa bàn bên trong là lãnh thổ các quốc gia thành viên. Đặc biệt, ưu tiên của NATO lúc này là các nước thành viên ở Đông Âu, không phận biển Baltic, biển Barent và biển Đen, trong đó địa bàn quan trọng nhất là Ba Lan.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (phải) và Thủ tướng Montenegro Milo Dukanovic trong cuộc họp tại trụ sở của NATO ở Brussels. Ảnh: AP

Vì thế, quan điểm của các Ngoại trưởng NATO hiện giờ là áp dụng “cách tiếp cận hai chiều” với chính quyền Moscow, tức là vừa tiếp tục tăng cường khả năng phòng thủ, vừa theo đuổi đối thoại với điện Kremlin. Bản thân Tổng thư ký NATO cũng cho rằng, NATO cần phải tránh một cuộc chạy đua vũ trang mới với Nga và để đảm bảo sự minh bạch và rõ ràng thì cần có một cơ chế như Hội đồng NATO-Nga.

Theo tin từ hãng Reuters, kể từ khi Nga sáp nhập Bán đảo Crimea hồi tháng 3-2014, cùng với những căng thẳng phát sinh liên quan tới tình hình xung đột tại miền Đông Ukraine, NATO đã quyết định hủy bỏ cơ chế hợp tác quân sự và dân sự với Nga.

Tuy nhiên, Hội đồng NATO-Nga vốn được thành lập từ tháng 5 năm 2002 lại được coi như một cơ chế để hai bên tham vấn, thỏa hiệp và cùng đưa ra quyết định chung về các vấn đề cùng quan tâm trên cơ sở đối tác bình đẳng. Hồi tháng trước, Hội đồng NATO-Nga đã tổ chức cuộc họp đầu tiên trong gần 2 năm qua, song hai bên đã không thể giải quyết các bất đồng.

Dẫu vậy, các quan chức NATO và Nga vẫn cho rằng, các đối thoại giữa hai bên phải dựa trên nguyên tắc của luật pháp quốc tế và tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia. Hiện nay, căng thẳng lớn nhất chính là việc Moscow cho rằng, việc NATO đưa các hệ thống tên lửa tới Đông Âu đã gây ra mối đe dọa không chỉ đối với an ninh quốc gia Nga mà còn có thể làm suy yếu sự ổn định chiến lược trong khu vực. Đáp lại, NATO vẫn biện minh rằng việc này chỉ mang tính chất phòng thủ và NATO không muốn kích động sự đối đầu.

Đối với các thách thức từ bên ngoài, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nhấn mạnh, các Ngoại trưởng của NATO sẽ bàn về cách thức đối phó hiệu quả hơn, trong đó có việc huấn luyện quân đội Iraq và hợp tác với Liên minh Châu Âu (EU) để ngăn chặn nạn buôn người trên Địa Trung Hải.

Bên cạnh đó, các ngoại trưởng cũng sẽ thảo luận về đề nghị của Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi liên quan đến việc mở rộng hoặc chuyển giao một chương trình huấn luyện quân sự của NATO vốn đang được triển khai ở Jordan cho phía Iraq. Chưa hết, vấn đề chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) sẽ trở thành nội dung trọng tâm của ngày làm việc cuối cùng khi NATO cân nhắc việc tăng cường hỗ trợ hệ thống kiểm soát và cảnh báo sớm trên không (AWACS) cho liên minh chống IS.

Cụ thể, liên minh quân sự này có thể triển khai cả máy bay do thám hiện đại tại Iraq và Syria để đối phó với IS. Những máy bay do thám này được trang bị radar hiện đại, có thể quan sát khu vực rộng hàng trăm km và có thể tham gia các chiến dịch không kích cũng như các chiến dịch khác. Điều này cũng có nghĩa là NATO sẽ không tham gia đầy đủ vào liên minh chống IS mà chỉ hỗ trợ những phần việc mà tổ chức này thấy thích hợp.

Sông Thương (tổng hợp)
.
.
.