(NÓNG TRONG TUẦN) TNS John McCain qua đời, ông Trump huỷ chuyến đi đến Triều Tiên

Thứ Hai, 27/08/2018, 08:29
Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain đã qua đời ở tuổi 81 hôm 25-8 tại nhà riêng; Tổng thống Trump huỷ chuyến đi đến Triều Tiên của Ngoại trưởng Mike Pompeo; Australia "thay máu" nội các là những tin tức đáng chú ý nhất tuần qua.


Thượng nghị sĩ John McCain qua đời

Theo thông báo từ văn phòng của ông McCain, Thượng nghị sĩ Mỹ, cựu binh trong chiến tranh Việt Nam, đã qua đời lúc 16h28' ngày 25-8 (rạng sáng 26-8 theo giờ Việt Nam). Ông đã chiến đấu với căn bệnh ung thư não ác tính từ tháng 7-2017.

Sinh năm 1936, ông John McCain là thượng nghị sĩ thâm niên dày dặn, đại diện bang Arizona trong 35 năm tại cơ quan lập pháp Mỹ và giữ cương vị chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ đến khi qua đời.

Ông John McCain. Ảnh: ITN

Ông hai lần ra tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2000 và 2008. Vào năm 2008, ông thậm chí đã trở thành ứng viên tổng thống đại diện cho đảng Cộng hòa nhưng sau đó thất bại trước ông Barack Obama.

Ông McCain từng là lính tham chiến tại Việt Nam và sau đó trở thành một trong những người đi đầu vận động bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ. Thượng nghị sĩ McCain nói ông luôn có tình cảm sâu sắc đối với Việt Nam và mong muốn đóng góp làm sâu sắc mối quan hệ song phương.

Sau khi ông McCain qua đời, nhiều chính trị gia Mỹ đã bày tỏ tiếc thương ông. Trên Twitters, đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump đã viết: "Tôi gửi sự cảm thông và kính trọng sâu sắc nhất tới gia đình Thượng nghị sĩ John McCain".

Cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton ca ngợi ông McCain vì niềm tin của ông rằng "mọi công dân đều có trách nhiệm làm nên một thành tựu nào đó". "Mỗi ngày, ông ấy đều sống đúng với niềm tin của mình", Clinton viết và cảm ơn McCain vì vai trò của ông trong việc bình thường hóa quan hệ với Việt Nam.

Đẫm nước mắt ngày đoàn tụ Hàn-Triều

Những người anh chị em tưởng đã chết từ lâu, những người cha người mẹ lạc mất con cái đã gặp nhau trong nước mắt của hạnh phúc lần đầu tiên trong gần 7 thập kỷ khi 89 gia đình từ hai miền Triều Tiên đoàn tụ từ ngày 20-8 đến 26-8, trong bối cảnh quan hệ giữa Bình Nhưỡng và Seoul ấm lên trông thấy trong những tháng gần đây.

Một người phụ nữ lớn tuổi Hàn Quốc ôm con trai sống ở Triều Tiên sau hơn 6 thập kỷ ly tán. Ảnh: NYT

Cuộc chiến khốc liệt 1950-1953 trên bán đảo Triều Tiên đã kết thúc với sự xuất hiện của hai quốc gia là CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc. Trên lý thuyết, Hàn Quốc và Triều Tiên vẫn đang trong tình trạng chiến tranh. Bởi vậy, đằng đẵng 6 thập kỉ qua, người dân liên Triều không được tự do bước qua biên giới của nhau.

Theo Washington Post, khoảng 130.000 người Hàn Quốc nộp đơn thông qua Hội Chữ thập đỏ xin đoàn tụ với người thân ở miền Bắc kể từ khi chương trình hội ngộ bắt đầu vào năm 1988. Tuy nhiên, một nửa trong số những người nộp đơn đã qua đời trước khi mong ước trở thành hiện thực. Hiện nay, phần lớn những người còn sống đều hơn 70 tuổi.

Hàn Quốc và Triều Tiên được cho là sẽ tiếp tục tổ chức các cuộc gặp mặt tương tự ngay trong năm 2018 để tạo điều kiện cho những người bị li tán trong chiến tranh được đoàn tụ.

Mỹ - Triều lại tranh cãi gay gắt

Tiến trình phi hạt nhân bán đảo Triều Tiên lại một lần nữa bị thử thách sau khi Mỹ và CHDCND Triều Tiên tranh cãi gay gắt về cách thức hiện thực hoá những cam kết chung được Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un đưa ra tại thượng đỉnh lịch sử hồi tháng 6 ở Singapore.

Lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Donald Trump tại cuộc gặp hồi tháng 6 ở Singapore. Ảnh: Reuters

Hôm 26-8, tờ Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận chính thức của đảng Lao động Triều Tiên, đăng tải một bài xã luận cáo buộc quân đội Mỹ đồn trú tại Okinawa, Nhật Bản, đang dàn dựng một cuộc tập trận với mục đích "thâm nhập sâu vào Bình Nhưỡng".

Tờ này gọi cho rằng Mỹ đang chơi trò "hai mặt" khi vừa "ấp ủ một âm mưu tàn bạo" nhằm vào Bình Nhưỡng vừa "đối thoại với một gương mặt niềm nở".

Bình luận của Bình Nhưỡng được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 24-8 hủy chuyến thăm Triều Tiên dự kiến vào tuần tới của Ngoại trưởng nước này Mike Pompeo với lí do Triều Tiên chưa đạt được những bước tiến cần thiết trong việc phi hạt nhân.

Trong khi Mỹ đòi hỏi một tiến trình phi hạt nhân "hoàn toàn, không thể đảo ngược" thì Triều Tiên lại đang nỗ lực tìm kiếm một sự đảm bảo an ninh và đề nghị giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt hà khắc từ quốc tế.

Australia "thay máu" nội các

Chính trường Australia rơi vào một cuộc khủng hoảng tồi tệ khi chỉ trong một thời gian ngắn có 10 quan chức trong nội các tuyên bố từ chức và gây sức ép bỏ phiếu tín nhiệm đối với Thủ tưởng Malcolm Turnbull, kéo theo một loạt cụộc bỏ phiếu tín nhiệm nội bộ. 

Tân Thủ tướng Australia Scott Morrison. Ảnh: Reuters

Trong vòng 1 tuần từ ngày 22-8, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull, Ngoại trưởng Julie Bishop cùng một loạt quan chức chính phủ nước này đã buộc phải tuyên bố từ chức vì không đạt đủ tín nhiệm trong các cuộc bỏ phiếu nội bộ đảng Tự do cầm quyền.

Trong khi đó, ông Scott Morrison, một chính khách theo khuynh hướng bảo thủ thực dụng, lại đã trở thành thủ tướng thứ 30 của Australia sau khi giành chiến thắng trong các cuộc bỏ phiếu. Ông Morrison ngày 26-8 thậm chí đã công bố một danh sách mới gồm 21 bộ trưởng mới.

Xuất hiện nguy cơ tấn công hoá học ở Syria

Cả Nga và Mỹ đều lên tiếng tuyên bố một vụ tấn công hoá học khả năng cao sẽ được tiến hành ở Syria trong vài ngày tới, song hai nước này lại đang tranh cãi nảy lửa về kẻ đứng sau vụ tấn công nói trên.

Những trẻ em, được cho là nạn nhân của một vụ tấn công hoá học. Ảnh: AP

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga, Thiếu tướng Igor Konashenkov ngày 26-8 cho biết "các đặc vụ nước ngoài" đã đến Syria và có thể sẽ tiến hành một cuộc tấn công hóa học sử dụng khí clo "trong hai ngày tới". Vụ tấn công khả năng cao sẽ được thực hiện tại ngôi làng Kafr Zita, phía Tây Bắc tỉnh Hama để quy trách nhiệm cho quân đội Chính phủ Syria.

Trong khi đó, hôm 22-8, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton bất ngờ tuyên bố quân đội Syria có thể đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công hoá học, và trong trường hợp vụ tấn công này xảy ra, Mỹ sẽ phản ứng một cách rất mạnh mẽ.

Mỹ trong vài ngày qua đã điều tàu tên lửa USS The Sullivans thuộc lớp Arleigh Burke đến vịnh Persians, trong khi máy bay ném bom siêu âm Rockwell B-1 cũng đang nằm sẵn sàng chờ lệnh tại căn cứ không quân Al Udeid, Qatar.

Về phần mình, Nga cũng đưa thêm 2 tàu tên lửa cỡ lớn tới vùng biển Syria để hỗ trợ các hoạt động quân sự.

Triệu người Hồi giáo hành hương về thánh địa Mecca

Hơn 2 triệu tín đồ Hồi giáo trên toàn thế giới lần lượt đổ về thánh địa Mecca ở Saudi Arabia để tham gia lễ hành hương Hajj - một nghĩa vụ tôn giáo thiêng liêng và quan trọng của người Hồi giáo, diễn ra từ ngày 20 đến ngày 24-8, tức là ngày thứ 8 đến ngày thứ 12 của Dhu al-Hijjah, tháng thứ 12 và là tháng cuối cùng trong lịch Hồi giáo hàng năm.

Người Hồi giáo di chuyển vòng quanh phiến đá thiêng ở Mecca. Ảnh: Reuters

“Tôi từng đến đây để hành hương vào năm 2007 và hôm nay, sau 10 năm đăng ký và chờ đợi, tôi đã được quay lại đây", Reuters dẫn lời ông Najwa, 59 tuổi, từ Tunisia, nói hôm 22-8. "Tôi không thể mô tả cảm giác này. Ngày nào tôi cũng khóc".

Tại Đại Thánh đường ở Mecca, các tín đồ sẽ đi vòng quanh cấu trúc đá Ka'bah, nơi linh thiêng nhất. Họ xếp hàng và đi 7 vòng ngược chiều kim đồng hồ, lần lượt chạm tay lên mặt đá để cầu nguyện.

Lễ hành hương lần này diễn ra trong thời tiết 44 độ C. Nhà chức trách phải sử dụng hàng nghìn quạt máy phun sương để làm mát cho dòng người tới làm nghi lễ tại các địa điểm thờ phụng. Trong khi đó, khoảng 70.000 nhân viên an ninh cũng được điều động để đảm bảo trật tự, trong bối cảnh xuất hiện các nhóm khủng bố mới bên cạnh Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đang thất thủ ở Iraq và Syria.

Thiện Minh (Tổng hợp)
.
.
.