(NÓNG TRONG TUẦN) Brexit quanh quẩn ngõ cụt, Pháp đau đầu vì đủ kiểu biểu tình

Thứ Hai, 17/12/2018, 08:24
Brexit vẫn quanh quẩn trong ngõ cụt, Pháp tiếp tục đau đầu với biểu tình bạo loạn, biểu tình ngực trần và việc toà án Mỹ phán quyết Obamacare vi hiến... là những tin tức đáng chú ý nhất trong tuần.

Brexit vẫn quanh quẩn trong ngõ cụt

Chỉ còn 3 tháng nữa là tới hạn Anh chính thức phải rời Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên, việc đạt được một thoả thuận giữa hai bên sau cuộc ly hôn này vẫn còn rất mơ hồ và khó lòng được Quốc hội Anh thông qua.

Tháng trước, kế hoạch Brexit của bà May đã nhận được sự tán thành của các lãnh đạo EU, song đã vấp phải sự phản đối của nhiều nghị sĩ trong chính đảng Bảo thủ của bà và các thành viên đối lập trong Quốc hội Anh.

Tiến trình Brexit chưa thể tìm ra lối thoát. Ảnh: Reuters

Hôm 12-12, các nhà lập pháp đảng Bảo thủ đã kêu gọi tiến hành bỏ phiếu bất tín nhiệm với Thủ tướng Anh Theresa May. Trong cuộc bỏ phiếu này, bà May đã thắng lợi sít sao.

Ngay sau đó, từ ngày 12 đến 14-12, bà May đã gặp lãnh đạo các nước Pháp và Đức về Brexit rồi dự thượng đỉnh EU về vấn đề này nhằm cố gắng tìm kiếm một thoả thuận mới dễ chấp nhận hơn, song những gì bà nhận được chỉ là sự đảm bảo mang tính mơ hồ và không chắc chắn từ lãnh đạo châu Âu.

Theo hãng tin Reuters, tính đến nay hầu hết các bộ trưởng cấp cao trong nội các của Thủ tướng Anh Theresa May cho rằng kế hoạch Brexit mà bà ký với EU đã chết, theo đó các bộ trưởng đang thảo luận các lựa chọn khác, bao gồm một cuộc trưng cầu ý dân lần thứ hai về việc Anh rời EU.

Tuy nhiên, Thủ tướng Theresa May nói rằng một cuộc bỏ phiếu như vậy là không thể diễn ra. Các nước EU cũng cho rằng một cuộc bỏ phiếu tương tự là không thể chấp nhận được.

Pháp bối rối vì xả súng, bạo loạn và biểu tình ngực trần

Nước Pháp tiếp tục trải qua những ngày biến động trong tuần qua, khi hôm 11-12, một tay súng cực đoan đã nã đạn điên cuồng vào khu chợ Giáng sinh ở miền Đông Bắc nước này, làm 4 người chết, 11 người bị thương.

Cùng lúc đó, bất chấp lời kêu gọi ngừng xuống đường của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, hàng chục ngàn người "áo gile vàng" đã tiếp tục tụ tập xuống đường trên khắp nước Pháp để tiếp tục biểu tình phản đối chính phủ trong tuần thứ 5 liên tiếp.

Pháp bối rối vì xả súng, bạo loạn và biểu tình ngực trần.

Trong ngày 15-12, Bộ Nội vụ Pháp cho biết số người biểu tình đã ít hơn so với những tuần trước đó, khoảng 66.000 người. Toulouse và Bordeaux là 2 địa điểm có nhiều người xuống đường nhất trên cả nước với khoảng 10.000 ở mỗi địa điểm.Ở Paris, số người biểu tình chỉ khoảng 3.000 người.Tuy nhiên, những người này có xu hướng cực đoan hơn nên các vụ đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình đã nổ ra.

Ngoài những bóng áo gile vàng quen thuộc, Paris trong những ngày qua còn chứng kiến một làn sóng biểu tình quy mô nhỏ của những phụ nữ. Họ mặc áo khoác đỏ, xịt sơn màu bạc lên người và để ngực trần. Những phụ nữ này đang hóa thân thành nàng Marianne đứng trước đám đông bạo động trên đại lộ Champs-Elysees. Nàng Marianne là biểu tượng của nước Pháp, xuất hiện từ thế kỷ 18, là đại diện cho những giá trị tốt đẹp mà người Pháp hướng tới như tự do, bình đẳng...

Nguyên nhân các phụ nữ này để ngực trần biểu tình vẫn chưa rõ. Cách đây 2 tuần, bạo động xảy ra nghiêm trọng tại Khải Hoàn Môn và những thành phần quá khích đã đập vỡ một bên mặt của tượng nàng Marianne.

Di sản quan trọng nhất của Obama bị toà phán vi hiến

Obamacare, Đạo luật Chăm sóc Sức khỏe hợp túi tiền, thành tựu được coi là quan trọng nhất trong suốt 2 nhiệm kì tổng thống của ông Barack Obama, mới đây bị toà án liên bang ở bang Texas ra phán quyết là vi hiến.

Theo đó, một thay đổi trong luật thuế năm 2017 đã loại bỏ hình phạt cho việc không có bảo hiểm y tế, và thẩm phấn Reed O'Connor tại Fort Worth đã đồng ý với 20 bang khác rằng điều này làm vô hiệu đạo luật Obamacare. 

Di sản quan trọng nhất của Obama bị toà phán vi hiến. Ảnh: ITN

Nhà Trắng của ông Trump ca ngợi phán quyết này, nhưng cho biết mọi thứ sẽ được giữ nguyên trong khi chờ phán quyết của tòa án tối cao. Cá nhân Tổng thống Mỹ cũng ca ngợi phán quyết trên, gọi đó là "tin tốt cho nước Mỹ".

Ở chiều ngược lại, đảng Dân chủ nhanh chóng lên án quyết định của thẩm phán O'Connor. Lãnh đạo sắp tới của phe Dân chủ ở hạ viện, bà Nancy Pelosi, cho rằng "đảng Cộng hòa đang tấn công toàn diện lên những người mang bệnh từ trước".

Obamacare hiện mang đến bảo hiểm cho khoảng 20 triệu người Mỹ, nhưng đã gặp khó khăn do phí bảo hiểm tăng và một số hãng bảo hiểm lớn rút khỏi chương trình. Từ khi tranh cử, ông Trump cũng đã nhiều lần kêu gọi loại bỏ đạo luật này. Đến nay, những nỗ lực của ông Trump và đảng Cộng hoà liên quan đến đạo luật vẫn chưa mang lại kết quả đáng kể.

COP24 khai thông bế tắc thực thi Thỏa thuận Paris 2015

Gần 200 quốc gia ngày 15-12 đã đồng ý thông qua một bộ quy tắc để thực hiện thỏa thuận toàn cầu mang tính bước ngoặt năm 2015 nhằm đối phó với biến đổi khí hậu tại Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 24 (COP 24) tại thành phố Katowice, Ba Lan.

Chủ tịch COP24 ăn mừng sau khi các nước thành viên thông qua bộ quy tắc chung. Ảnh: ITN

COP24 diễn ra với mục tiêu thúc đẩy thực hiện Hiệp định Paris năm 2015 về biến đổi khí hậu theo những cách thực tế nhất, hạn chế phát thải lượng khí gây hiệu ứng nhà kính, giữ mức tăng nhiệt độ của Trái Đất cho đến cuối thế kỷ 21 ở mức từ 1,5 đến 2 độ C. Nghĩa là hiện thực hoá Hiệp định Paris bằng các biện pháp cụ thể.

Chương trình nghị sự được lên lịch kết thúc ngày 14-12, song buộc phải kéo dài thêm một ngày để giải quyết các vấn đề còn khúc mắc giữa các nước. 

Theo bộ quy tắc được thông qua, các nước sẽ có một hướng dẫn về những gì mà một quốc gia có thể và nên làm để giữ nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng dưới mức 2 độ C so với mức tăng trong thời tiền công nghiệp.

Về tài chính, bộ quy tắc báo hiệu sẽ có cam kết từ các nước giàu đồng ý góp quỹ để giúp các nước nghèo giảm khí thải nhà kính và thích ứng với các tác động của biến đổi khí hậu.

Mỹ nhượng bộ Thổ Nhĩ Kỳ vì vụ nhà báo Khashoggi?

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ ngày 16-12 cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump cuối cùng đã chấp thuận việc dẫn độ giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen, người bị Ankara cáo buộc sắp đặt vụ đảo chính bất thành tại Thổ Nhĩ Kỳ năm 2016.

Tháng trước, cũng chính ông Cavusoglu nói rằng Ankara đã gửi đến Mỹ một danh sách yêu cầu dẫn độ gồm 84 nhân vật là thành viên thuộc phong trào của giáo sỹ Fethullah Gulen, gồm cả bản thân giáo sỹ này, để xử tội vì có dính líu đến âm mưu đảo chính.

Ông Gulen. Ảnh: Reuters

Ông Gulen đến nay bác bỏ cáo buộc và sống lưu vong tại bang Pennsylvania, Mỹ. Washington từng cho rằng cáo buộc của Thổ Nhĩ Kỳ chưa đủ thuyết phục nên đã từ chối yêu cầu từ phía Ankara ít nhất 2 lần. Tranh cãi liên quan đến Gulen đã khiến quan hệ đồng minh giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ nhiều phần sứt mẻ.

Tuy nhiên, mới đây, chính quyền của ông Trump được cho là đã yêu cầu Bộ Tư pháp và FBI xem xét lại trường hợp dẫn độ Gulen, đồng thời đề nghị Bộ An ninh Nội địa cung cấp thông tin về tình trạng pháp lý của giáo sĩ này, trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ đang gây sức ép lớn lên Arab Saudi vì vụ nhà báo Jamal Khashoggi bị sát hại.

Theo lời các quan chức Mỹ giấu tên, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan được cho là đã nhìn thấy cơ hội để hối thúc ông Trump nhượng bộ sau vụ nhà báo Khashoggi. Theo đó, để bảo vệ đồng minh Arab Saudi và xoa dịu căng thẳng vì vụ Khashoggi, Washington có thể đã chấp nhận đề nghị dẫn độ của Ankara.

Thiện Minh (Tổng hợp)
.
.
.