Myanmar từ chối cho Mỹ tiếp cận bà Aung San Suu Kyi
- Biểu tình phản đối đảo chính lan rộng tại Myanmar
- Myanmar bắt giữ cố vấn người Australia của bà Suu Kyi
- Myanmar mở rộng phong tỏa mạng xã hội bất chấp biểu tình lan nhanh
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết đến nay họ vẫn không thể liên lạc được với Cố vấn Nhà nước Aung Suu Kyi.
"Ngay sau sự kiện ngày 1/2, chúng tôi đã nỗ lực tiếp cận bà Aung San Suu Kyi. Chúng tôi đã làm điều đó thông qua cả các kênh chính thức và phi chính thức. Tuy nhiên, tất cả các đề nghị đều bị từ chối", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price hôm 8/2 cho hay.
Cảnh sát phun vòi rồng giải tán người biểu tình ở Myanmar vào ngày 8/2. (Ảnh: Getty) |
Tổng tư lệnh quân đội Myanmar, Tướng Min Aung Hlaing đã lên nắm quyền điều hành đất nước, sau cuộc đảo chính chớp nhoáng diễn ra sáng 1/2 và bắt giữ nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi cùng nhiều quan chức hàng đầu của đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) cầm quyền để phản ứng với tình trạng "gian lận bầu cử" cuối năm ngoái ở nước này.
Bà San Suu Kyi đã bị bắt giữ với cáo buộc vi phạm Luật xuất nhập khẩu, trong khi Tổng thống U Win Myint bị bắt giữ với cáo buộc ông và gia đình gặp gỡ một số nhân vật trong quá trình tranh cử và vi phạm biện pháp phòng chống COVID-19. Hai chính trị này bị tạm giam trong 15 ngày, từ 1/2 đến 15/2. |
Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 1/2 cho biết Washington đang xem xét các chế tài trừng phạt đối với Myanmar sau cuộc đảo chính. Ông cho rằng đây là "cuộc tấn công trực tiếp vào tiến trình chuyển đổi sang nền dân chủ và thượng tôn pháp luật của Myanmar".
Hiện tại, phong trào bất tuân dân sự ngày càng lan rộng, với những dòng người Myanmar xuất hiện trên đường phố ngày một đông trong nhiều ngày qua để biểu tình phản đối hành vi đảo chính.
Các cuộc biểu tình quy mô lớn ở Yangon và Mandalay, hai thành phố lớn nhất của Myanmar, cũng như quy mô nhỏ hơn tại các khu vực khác đã bắt đầu từ hôm 6/2. Ngày 8/2, cảnh sát địa phương đã buộc phải sử dụng vòi rồng để giải tán một cuộc biểu tình lớn ở thủ đô Naypyitaw.
Giới chức Myanmar hiện đã áp lệnh cấm người dân biểu tình hay tụ tập nhóm trên 5 người và lệnh giới nghiêm sẽ được áp dụng từ 20 giờ đến 4 giờ sáng hôm sau.
"Nền dân chủ có thể bị phá hủy nếu không có kỷ luật. Chúng tôi sẽ phải thực hiện các hành động pháp lý để ngăn chặn các hành vi đang vi phạm sự ổn định, an ninh công cộng và pháp quyền", thông cáo từ Bộ Thông tin Myanmar cho hay.