Myanmar chôn cất tập thể các nạn nhân vụ sạt lở mỏ đá

Thứ Bảy, 04/07/2020, 17:00
Hàng chục công nhân thiệt mạng trong vụ sạt lở mỏ đá ngọc bích tại miền Bắc Myanmar sẽ được chôn cất tập thể trong ngày 4/7, một quan chức địa phương cho biết, sau thảm họa lao động tồi tệ nhất trong ngành khai thác mỏ của quốc gia này. 

Hơn 170 người, phần lớn trong số họ là lao động nghiệp dư nhập cư tìm kiếm vận may đổi đời tại những mỏ đá quý, đã tử vong trong một vụ sạt lở xảy ra sau trận mưa lớn hôm 2/7 tại khu vực Hpakant giàu tài nguyên của bang Kachin, Myanmar. 

Những người thợ mỏ đang tập trung tìm kiếm đá ngọc bích tại một thung lũng ở Hpakant thì bất ngờ ngọn núi chứa phế liệu quặng bất ngờ đổ sập, kéo theo bùn đất nhấn chìm hơn 100 con người khiến họ không thể chạy thoát.

Tình nguyện viên đưa quan tài đến khu mộ tập thể. Ảnh: Reuters

Thar Lin Maung, một quan chức địa phương cho biết, tính đến ngày 4/7, đã có 171 thi thể được tìm thấy sau vụ sập mỏ, trong khi đó, vẫn còn nhiều thi thể vẫn chưa thể tìm thấy hoặc chưa được đưa ra ngoài khu vực thảm họa. 

Trong ngày 3/7, Myanmar đã đào hố chôn và tiến hành chôn cất tập thể 77 nạn nhân. 39 nạn khác sẽ được an táng tập thể trong ngày 4/7. Nhiều trong số họ vẫn không thể xác định được danh tính.

Reuters cho biết, các tình nguyện viên đã vận chuyển quan tài đến khu vực chôn cất và đặt chúng tại ngôi mộ tập thể, được đào bởi chính những người khai thác quặng may mắn sống sót.

Myanmar cung cấp khoảng 90% số đá ngọc bích trên thế giới, phần lớn trong số này được xuất khẩu sang Trung Quốc theo tuyến giáp ranh với bang Kachin. Nhiều lao động đã liều lĩnh đến đây khai thác chui để kiếm được nguồn sống cho gia đình. 

Sự cố sạt lở gây chết người cũng thường xảy ra ở các khu mỏ. Trước đó, khoảng 100 người đã thiệt mạng trong vụ sập mỏ tại Myanmar năm 2015. 50 người cũng đã tử vong trong vụ việc tương tự vào năm 2019. Nhưng trận sạt lở hôm 2/7 là vụ sập mỏ tồi tệ nhất trong lịch sử ngành khai thác mỏ Myanmar. 

Cố vấn nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi hôm 3/7 đã bày tỏ sự phẫn nộ, cho rằng thảm họa này xảy ra vì tình trạng thất nghiệp tại Myanmar, khi những người lao động nghiệp dư buộc phải đến các mỏ quặng khai thác bất hợp pháp vì không có việc làm. 

Lam Ninh
.
.
.