Mỹ tuyên bố không hợp tác với Nga tại Syria

Chủ Nhật, 27/12/2015, 08:05
Hãng tin Sputnik của Nga dẫn lời người phát ngôn Lầu Năm Góc Michelle Baldanza ngày 26-12 khẳng định, Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ không lên kế hoạch hợp tác với Nga trong cuộc chiến chống lại các phần tử khủng bố của cái gọi là Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Syria.
Hãng tin Sputnik của Nga dẫn lời người phát ngôn Lầu Năm Góc Michelle Baldanza ngày 26-12 khẳng định, Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ không lên kế hoạch hợp tác với Nga trong cuộc chiến chống lại các phần tử khủng bố của cái gọi là Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Syria và cũng sẽ không chia sẻ với Nga các thông tin tình báo về các nhóm khủng bố, khi Moskva vẫn duy trì quan điểm về Tổng thống Syria Bashar al-Assad. 

Ông Baldanza tuyên bố: “Quan điểm của Bộ Quốc phòng Mỹ là không thay đổi: Chúng tôi sẽ không hợp tác với Nga tại Syria cho đến khi nào họ từ bỏ chiến lược ủng hộ ông Assad và thay vào đó, tập trung vào mục tiêu IS”.

Lời tuyên bố trên được đưa ra sau khi Cục trưởng Cục tác chiến Quân đội Nga Sergey Rudskoy cho biết, Moskva sẵn sàng chia sẻ với liên minh chống IS do Mỹ đứng đầu các thông tin về vị trí của phiến quân IS ở Syria và mong chờ nhận được các thông tin tương tự từ Washington.

Vào cùng thời điểm, Bộ Quốc phòng Nga ra tuyên bố cho biết các xe chở bồn dầu của lực lượng phiến quân IS tại Syria vẫn tiếp tục chở dầu qua biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ theo con đường phía Bắc đến một nhà máy lọc dầu ở thành phố Batman của Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng số lượng ít hơn, vào khoảng 265 xe, do chiến dịch không kích của Không quân Nga.

Theo số liệu do Bộ Quốc phòng Nga cung cấp, khoảng 2.000 xe chở dầu đã bị phá hủy kể từ khi Moskva phát động chiến dịch không kích ở Syria vào ngày 30-9 với tổng cộng 5.240 phi vụ cho đến nay. 

Moskva cũng cho biết, để tránh các cuộc không kích của Nga, các xe chở dầu của IS hiện hoạt động chủ yếu vào ban đêm và có thể đang đi theo những tuyến đường mới dọc theo phía Bắc và phía Tây, hướng đến hai thành phố Reyhanli và Iskenderun của Thổ Nhĩ Kỳ.

Mỹ và Nga vẫn đang tranh cãi về tương lai của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

“Mặc dù di chuyển theo “đường vòng” đáng kể nhưng Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là điểm đến cuối cùng trên tuyến đường buôn lậu dầu”, Bộ Quốc phòng Nga nhấn mạnh.
Nga còn cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn mua dầu của IS khai thác trái phép tại Syria. Từ đó cho thấy, việc Mỹ từ chối lời đề nghị của Nga về việc chia sẻ thông tin tình báo về IS nhiều khả năng không chỉ vì quan điểm cứng rắn của Moskva về Tổng thống Assad. 

Trên thực tế, cả phía Nga và Mỹ trong thời gian gần đây đều tỏ ra mềm mỏng hơn trong vấn đề Syria so với trước đây. Washington cho biết, ông Assad có thể giữ một trọng trách quan trọng trong quá trình chuyển giao quyền lực, tuy nhiên, việc từ chức là không thể tránh khỏi. Trong khi đó, Moskva khẳng định, ông Assad hoàn toàn có thể rời bỏ cương vị của mình nếu người dân Syria không tiếp tục chọn ông làm tổng thống trong cuộc bầu cử sắp tới.

Mỹ và Nga vẫn còn nhiều bất đồng trong vấn đề Syria.

Theo Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an, việc Nga quyết định không kích IS tại Syria đã đẩy Mỹ vào thế bị động, buộc Washington phải điều chỉnh chính sách đối ngoại nói chung, chính sách đối với đối thủ tầm toàn cầu là Nga và đối thủ trong khu vực là Iran nói riêng. Thiếu tướng Lê Văn Cương phân tích, “điều chỉnh chính sách” chỉ là cách nói theo ngôn ngữ ngoại giao, trên thực tế, đây là bước lùi của Mỹ.

Từ tháng 3-2014 khi Nga sáp nhập Crimea, tới tháng 8-2015, Tổng thống Mỹ Barack Obama gần như “quay lưng lại” với người đồng cấp Nga Vladimir Putin và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng làm điều tương tự với người đứng đầu ngành ngoại giao Nga Sergei Lavrov. Và sau việc Nga tham chiến tại Syria, ông Obama và ông Kerry đã buộc lòng phải ngồi nói chuyện nghiêm chỉnh với hai nhà lãnh đạo Nga.

Bên cạnh đó, từ việc gạt Iran ra khỏi cuộc chiến chống khủng bố tại Syria thì bây giờ Mỹ lại làm điều ngược lại. Thêm nữa, trong gần 10 tháng vừa qua, Mỹ và các đồng minh phương Tây, Arab theo đuổi một quan điểm nhất quán là Tổng thống Assad không được nắm giữ vai trò gì trong chính phủ Syria, đồng thời đưa ra điều kiện tiên quyết cho bất cứ giải pháp chính trị nào cho Syria là phải loại bỏ ông Assad. Nhưng đến bây giờ, Mỹ và đồng minh lại gián tiếp công nhận vai trò của Tổng thống Syria.

Trong khi đó, cựu Thống đốc bang Florida Jeb Bush, ứng viên thuộc Đảng Cộng hòa Mỹ trong cuộc đua tranh cử tổng thống Mỹ năm 2016, cho rằng, Tổng thống Putin đang tìm cách đưa lời thách thức Mỹ trên quy mô toàn cầu: “Chúng ta đang mất dần ảnh hưởng của mình trên thế giới, còn ông Putin trái lại, đang gia tăng vai trò của ông ấy”.

Một ứng viên Tổng thống đảng Cộng hòa khác, tỉ phú Donald Trump mới đây đã tuyên bố rằng, ông có thiện cảm với Tổng thống Putin và hứa trong trường hợp chiến thắng sẽ cải thiện quan hệ với Nga, thay đổi mối quan hệ mà theo ông, không mang tính xây dựng, giữa hai đất nước.

Ngoại trưởng Syria Walid al-Moualem ngày 25-12 đã lên tiếng kêu gọi các cường quốc đang nỗ lực chấm dứt cuộc xung đột ở nước này, nên tập trung ngăn chặn các phần tử nổi dậy tràn sang Syria từ Thổ Nhĩ Kỳ và Jordan, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải “thực thi các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về chống khủng bố”. Lời kêu gọi của Ngoại trưởng Syria được đưa ra sau cuộc gặp Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì trong chuyến thăm Bắc Kinh. Trước đó, Chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã cáo buộc Ankara vũ trang cho lực lượng phiến quân Hồi giáo và cho phép các phần tử thánh chiến nước ngoài xâm nhập Syria, đồng thời tố cáo chính quyền Jordan được Mỹ hậu thuẫn vũ trang và huấn luyện cho các phần tử nổi dậy ở miền Nam Syria. Tuy nhiên, cả hai nước trên đều bác bỏ những cáo buộc này.   Kim Linh (theo Reuters)

Khổng Hà
.
.
.