Mỹ tiếp tục phản đối dự án khí đốt "Dòng chảy phương Bắc 2"
Mặc dù Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tái khẳng định rằng việc triển khai dự án "Dòng chảy phương Bắc 2" (Nord Stream 2) không nhất thiết đồng nghĩa với việc dừng vận chuyển khí đốt của Nga qua Ukraine, thì phía Mỹ vẫn tiếp tục thực hiện các nỗ lực để phản đối dự án xây dựng đường ống khí đốt này, đồng thời đề xuất "một phương án khác", nhằm đảm bảo an ninh năng lượng cho các đồng minh châu Âu.
Mỹ có thể đưa ra các lệnh trừng phạt mới
Trong bối cảnh dự án khí đốt Nord Stream 2 đã được khởi công tại TP Lubmin, bang Merklenburg-Vorpommern, miền Đông Bắc nước Đức, ngày 26-6, tờ Washington Post trích một nguồn tin thân cận cho hay, các nghị sĩ Mỹ vẫn đang tiếp tục gây sức ép lên Nhà Trắng để nước này hối thúc Liên minh châu Âu (EU) ngừng hiện thực hóa dự án "có nguy cơ đe dọa đến an ninh năng lượng của lục địa già".
Lập luận về gốc rễ của sự quan ngại nêu trên, các thượng nghị sĩ Mỹ cho biết, nếu đường ống dẫn khí đốt được xây dựng thì các đồng minh và đối tác của Washington tại châu Âu sẽ phải chịu ảnh hưởng hay phụ thuộc quá nhiều vào Moscow, và điều này thì không đơn thuần là vấn đề kinh tế.
EU tuyên bố sẽ đáp trả nếu Mỹ trừng phạt các cá nhân và công ty tham gia xây dựng Nord Stream 2. Ảnh: Sputnik. |
Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách vấn đề năng lượng Sandra Oudkirk nhấn mạnh: "Dự án này sẽ gây ra hậu quả chiến lược địa chính trị quy mô lớn cho nhiều thế hệ công dân châu Âu.
Để tránh những sai lầm không đáng tiếc, Mỹ hoàn toàn có khả năng đưa ra lệnh trừng phạt mới với các công ty và những người tham gia trong dự án xây dựng này, kể cả với các công ty châu Âu".
Giới quan sát nhận định, mùa Đông tại châu Âu sẽ rất "băng giá" khi không có nguồn tiếp năng lượng từ Nga. Tuy nhiên, nếu phía Mỹ tỏ ra gay gắt và thông qua một loạt biện pháp trừng phạt mới, thì những người xây dựng Nord Stream 2 sẽ phải cân nhắc "điều gì quan trọng hơn đối với họ".
Hôm 25-5, trong một cuộc họp báo về năng lượng tại Brussels (Bỉ), Quyền Trưởng phái bộ Mỹ tại EU Adam Shub đã một lần nữa lên tiếng kêu gọi các nước thành viên EU tự ngừng dự án và tuyên bố ủng hộ việc khí đốt cần được "quá cảnh" ở Ukraine.
"Gợi ý" phương án thay thế
Bên cạnh việc lo ngại cho an ninh năng lượng của các quốc gia đồng minh, một yếu tố quan trọng không kém có tác động đến các bước đi của Washington trong vấn đề Nord Stream 2 chính là việc Mỹ đang nuôi tham vọng "lấn sân" Nga để tăng cường xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) sang châu Âu.
Để trả lời cho câu hỏi liệu LNG có phải là phương án thay thế, các chuyên gia về năng lượng đã đưa ra một loạt những phân tích rõ nét. Theo đó, chi phí sản xuất năng lượng của Nga thấp hơn nhiều so với Mỹ và việc vận chuyển LNG từ Mỹ tới châu Âu là cả một quãng đường rất dài.
Trong năm 2017, Mỹ đã cung cấp 2,75 tỷ m³ khí đốt LNG cho châu Âu, nhưng chủ yếu là Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha nhập khẩu vì đường dẫn khí của Nga không chạm tới các quốc gia này.
Để so sánh, Gazprom đã thiết lập một kỷ lục tuyệt đối về xuất khẩu sang châu Âu - các lô hàng tăng 8%, với tổng sản lượng là 194,4 tỷ m³ khí và giá thành thì rẻ hơn ít nhất 50%. Thị trường lớn nhất vẫn là Đức với lượng nhập khẩu là 53,4 tỷ m3 và tại Áo thì con số này còn tăng 40%.
Chính vì thế, Nord Stream 2 được xây dựng là việc cần thiết để đảm bảo nguồn cung cấp đáng tin cậy và không bị gián đoạn.
Ngoài ra, đáp lại về việc Mỹ "ngỏ ý" mở rộng địa bàn cung cấp LNG tại châu Âu, Bộ trưởng Kinh tế Đức nhấn mạnh: "Mỹ là bạn và là đối tác của chúng tôi, và chúng tôi muốn bảo vệ các giá trị chung. Tuy nhiên, nếu theo chính sách "nước Mỹ trên hết" và Mỹ đặt lợi ích kinh tế của họ lên trên lợi ích của các nước khác, thì Washington cũng nên hiểu rằng châu Âu rất rõ ràng về lợi ích của mình và sẽ đấu tranh cho lợi ích đó tới cùng".
Được biết, không chỉ có Mỹ, Ukraine mà Ba Lan và một số quốc gia khác tại Đông Âu vốn phụ thuộc vào nguồn khí đốt của Nga cũng đã phản đối mạnh mẽ Nord Stream 2 và coi Nord Stream 2 là dự án đi ngược lại với chính sách của châu Âu trong việc đảm bảo an ninh năng lượng.
Để tìm cách làm giảm sự phụ thuộc vào Nga về mặt khí đốt, Ba Lan đang nhập khẩu khí lỏng từ Mỹ và có kế hoạch mở một đường ống dẫn khí với Na Uy. Warsaw cũng có tham vọng trở thành một trung tâm phân phối khí đốt và năng lượng cho các nước trong khu vực.
Nhận định về vấn đề này, ông Igor Yushkov, chuyên gia hàng đầu của Quỹ An ninh năng lượng quốc gia Nga chia sẻ: "Đôi khi, nhu cầu quá nhỏ. Một tàu chở dầu lại phải dỡ hàng cho duy nhất hai quốc gia. Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha là nơi mà các đường ống dẫn khí đốt Nga không chạm tới, cũng là nơi mà Nga không bán khí đốt. Còn đối với Ba Lan và Lithuania thì các nước này lại là kiểu mua bán với những "toan tính" riêng".
Nord Stream 2 là một dự án khí đốt, liên doanh bởi các tập đoàn Gazprom (Nga), Engie (Pháp), OMV AG (Áo), Royal Dutch Shell (Anh) và Uniper and Wintershall (Đức). Dự án này dự tính xây dựng hai đường ống dẫn khí đốt với công suất lên tới 55 tỷ m³ khí/năm, từ bờ biển của Nga qua biển Baltic đến Đức, hoàn toàn vòng qua Ukraine. Theo kế hoạch công bố, Nord Stream 2 sẽ được xây dựng song song và sử dụng 86% đường ống của dự án Nord Stream hiện tại trước khi rẽ nhánh. Tổng chi phí ước tính của dự án năng lượng này lên tới khoảng 9,5 tỷ euro. |