Mỹ thay đổi chính sách trong vấn đề Syria

Chủ Nhật, 01/11/2015, 07:58
Người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest ngày 31/10 xác nhận, Mỹ đang lên kế hoạch triển khai một nhóm lính đặc nhiệm tới Syria vào tháng 11 tới để hỗ trợ cho các lực lượng đối lập trong cuộc chiến chống cái gọi là Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Theo nhận xét của các chuyên gia, đây được xem là một sự thay đổi lớn về chính sách đối với Tổng thống Mỹ Barack Obama và cũng là một bước đi mà bấy lâu nay ông luôn phản đối nhằm tránh bị lôi kéo vào một cuộc chiến khác tại Trung Đông.

Kế hoạch này, cùng với quyết định của Mỹ về việc chấp nhận Iran tham gia vào các cuộc đàm phán ngoại giao để chấm dứt cuộc xung đột đã kéo dài sang năm thứ 5 tại Syria, là minh chứng cho sự thay đổi lớn nhất trong chính sách của Washington về Syria, kể từ khi bắt đầu chiến dịch không kích IS hồi tháng 9/2014. Nhà Trắng chỉ ra rằng, nhiệm vụ của “lực lượng đặc biệt” trên là “đào tạo, tư vấn và hỗ trợ” (cho các lực lượng đối lập tại Syria - PV) và số lượng sẽ không vượt quá 50. 

Ông Earnest tuyên bố, chính phủ Mỹ không có ý định củng cố lực lượng bộ binh. Lực lượng này sẽ không trực tiếp tham gia nhiệm vụ chiến đấu. Người phát ngôn Nhà Trắng đồng thời khẳng định việc triển khai lực lượng đặc biệt này chỉ đơn thuần là một “sự tăng cường” của chiến dịch Mỹ chống lại IS đã bắt đầu vào tháng 9/2014. 

Đồng thời, ông lưu ý rằng, lực lượng đặc biệt của Mỹ đã tiến hành một cuộc giải cứu con tin vào năm ngoái tại Syria, và một cuộc đột kích nhắm vào IS trong mùa xuân này. Nhận xét về quyết định này, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov lưu ý, quyết định không được thông qua với chính quyền Syria.

Các bên tham gia Hội nghị quốc tế mở rộng về Syria tại Austria.

Kế hoạch điều động lính đặc nhiệm của Mỹ được đưa ra trong bối cảnh Hội nghị quốc tế mở rộng về Syria diễn ra tại thủ đô Vienna (Austria) không đạt được đột phá nào. Tuy nhiên, hội nghị này đã tập hợp được các bên có quan điểm đối lập, bao gồm cả Iran – đồng minh thân cận của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Trong tuyên bố chung đưa ra sau hội nghị, các bên tham gia khẳng định “những bất đồng lớn vẫn tồn tại”, song nhất trí “cần phải đẩy nhanh các nỗ lực ngoại giao để chấm dứt cuộc chiến” ở Syria. 

Theo đó, các bên tham gia đàm phán đã đề nghị Liên hợp quốc (LHQ) tập hợp đại diện của chính quyền Syria và phe đối lập nhằm khởi động “một tiến trình chính trị dẫn đến thành lập một chính quyền đáng tin cậy, đa đại diện, phi giáo phái, sau đó là một bản hiến pháp mới và các cuộc bầu cử”. 

Bên cạnh đó, Ngoại trưởng của 17 nước tham gia hội nghị cũng kêu gọi về một lệnh ngừng bắn trên toàn quốc tại Syria. Phát biểu trước báo giới sau hội nghị, Ngoại trưởng Lavrov cho biết, các bên đã đàm phán về việc giải quyết cuộc nội chiến Syria, thảo luận về lệnh ngừng bắn nhưng chưa đưa ra thời gian cụ thể. 

Ngoại trưởng Lavrov nói: “Chúng tôi đã thảo luận về vấn đề ngừng bắn song song với vấn đề chính trị. Các bên đã đạt được sự đồng thuận rằng lệnh ngừng bắn tại Syria với sự tham gia của các bên trừ các tổ chức khủng bố sẽ được tổ chức với sự tham vấn của LHQ”. 

Ngoại trưởng Nga cũng nhấn mạnh cuộc đàm phán về khủng hoảng Syria đã không thể đạt được thỏa thuận liên quan đến số phận của Tổng thống Assad, đồng thời bày tỏ hy vọng người dân Syria sẽ quyết định tương lai của nhà lãnh đạo này. 

Bên cạnh đó, người đứng đầu ngành ngoại giao Nga cũng cho rằng, Moskva và Washington có thể hợp tác hiệu quả hơn trong cuộc chiến chống khủng bố, trong đó có các nhóm khủng bố tại Syria. 

Ngoại trưởng Lavrov nêu rõ, từ đầu chiến dịch không kích IS tự xưng tại Syria, Moskva luôn đề nghị Mỹ phối hợp hành động, song Washington mới chỉ thỏa thuận cơ chế tránh các vụ đụng độ bất ngờ. 

Theo Ngoại trưởng Nga, hai bên có thể hợp tác hiệu quả hơn, trong đó ông nhắc đến thỏa thuận vừa đạt được về việc các bên sẽ thống nhất danh sách các nhóm khủng bố tại Syria. 

Ông Lavrov nhấn mạnh, Nga và Mỹ đều có “kẻ thù chung” và cần nỗ lực hết sức để kẻ thù đó không thể giành quyền lực tại Syria hay tại bất kỳ quốc gia nào khác. 

Ông Lavrov tin tưởng rằng, Nga và Mỹ đều không muốn cái gọi là “chiến tranh theo thỏa thuận”, song quyết định của Nhà Trắng khiến nhiệm vụ hợp tác giữa quân đội hai bên trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Về phần mình, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết ông cùng Ngoại trưởng Lavrov và Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif đã thừa nhận về sự bất đồng liên quan đến số phận của Tổng thống Assad. 

Theo ông Kerry, Washington tiếp tục tin rằng việc Assad từ bỏ quyền lực sẽ góp phần mở đường cho một thỏa thuận nhằm chấm dứt nội chiến Syria và giúp đánh bại IS tự xưng. Ông Kerry khẳng định hai người đồng cấp Nga và Iran phản đối quan điểm này, song cả 3 sẽ tiếp tục làm việc cùng nhau để theo đuổi một giải pháp chính trị. 

Trong khi đó, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier thì cho biết đã không có bước đột phá nào đạt được nhưng thực tế các bên cũng không đặt nhiều kỳ vọng cho hội nghị lần này. 

Theo ông Steinmeier, đàm phán sẽ được nối lại trong 2 tuần tới. Các bên sẽ tập trung thảo luận việc thiết lập chính phủ chuyển tiếp, tiến hành những cuộc bầu cử mới và thực thi các lệnh ngừng bắn toàn quốc hay khu vực nhằm chấm dứt nội chiến ở Syria.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.