Mỹ sắp hết miễn trừ cho các nước nhập dầu từ Iran

Thứ Hai, 22/04/2019, 09:16
Theo tờ Washington Post, Mỹ được cho là sẽ công bố vào ngày 22-4 (giờ địa phương) đối với những nước nhập khẩu dầu mỏ của Iran sẽ phải sớm chấm dứt hợp đồng của họ hoặc sẽ phải đối mặt với các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Mỹ muốn bóp nghẹt nguồn thu chính của Tehran, dầu mỏ, để buộc Iran từ bỏ chương trình hạt nhân. Ảnh Reuters. 

Mỹ tái áp đặt các lệnh trừng phạt đối với việc nhập khẩu dầu của Iran vào tháng 11-2018 sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đơn phương rút khỏi hiệp định hạt nhân JCPOA giữa Iran và 6 cường quốc thế giới. Washington tiếp tục gây áp lực buộc Iran phải cắt giảm chương trình hạt nhân và ngừng ủng hộ cho các lực lượng phiến quân trên khắp khu vực Trung Đông.

Cùng với những lệnh trừng phạt, Washington cũng đã cấp những lệnh miễn trừ cho 8 nền kinh tế đã giảm số lượng dầu mua của Iran trong thời gian qua, cho phép những nước này mua dầu mà không phải chịu các lệnh trừng phạt trong vòng 6 tháng. Những nền kinh tế này bao gồm: Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Thổ Nhĩ Kỳ, Italy và Hy Lạp.

Tuy vậy, trong ngày 22-4, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo được cho là sẽ có thông báo về việc kể từ ngày 2-5, Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ không còn cho phép miễn trừ đối với bất kỳ quốc gia nào hiện đang nhập khẩu các mặt hàng dầu của Iran. Thông tin này được tờ Washington Post đưa tin, trích dẫn lời hai quan chức Ngoại giao Mỹ giấu tên.

Ngày 17-4 vừa qua, ông Frank Fannon, Trợ lý Bộ trưởng Tài nguyên Năng lượng Mỹ, đã tái khẳng định quan điểm của chính quyền Mỹ rằng “Mục tiêu của chúng tôi là hạ thấp xuất khẩu dầu của Iran xuống con số 0 nhanh nhất có thể”.

Nhiều nước cũng đang theo dõi liệu Mỹ có tiếp tục miễn trừ hay không. Ngày 16-4, phát ngôn viên Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Ibrahim Kalin cho biết nước này vẫn kỳ vọng Mỹ tiếp tục gia hạn miễn trừ đối với Ankara. Thổ Nhĩ Kỳ vốn không ủng hộ chính sách trừng phạt của Mỹ đối với Iran và cho rằng các lệnh trừng phạt sẽ không đem lại kết quả như mong muốn.

Washington hiện vẫn đang tiến hành chiến dịch “áp lực kinh tế tối đa” đối với Iran và thông qua các lệnh trừng phạt, cuối cùng có thể ngăn chặn việc xuất khẩu dầu của Iran, bóp nghẹt nguồn doanh thu chính của Tehran.

Duy Tiến
.
.
.