Nước Mỹ bước sang trang mới

Thứ Sáu, 20/01/2017, 11:36
Sau ngày 20-1, không chỉ riêng nước Mỹ bước sang trang mới, mà nhiều nước khác cũng vậy. Chỉ không hiểu, sẽ là một trang với gam màu sáng, hay tối.


Trưa 20-1 (giờ Mỹ - rạng sáng 21-1 giờ Việt Nam), ông Barack Obama sẽ rời Nhà Trắng, còn tỉ phú địa ốc Donald Trump chính thức trở thành Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ. Hai nhà lãnh đạo trong thời gian qua liên tục có những tuyên bố trái ngược nhau về các mối quan hệ đối ngoại, nhưng họ vẫn có một điểm chung. Đó là một mối quan hệ tốt đẹp với Nga.

Phát biểu trong buổi họp báo cuối cùng trên cương vị người đứng đầu Nhà Trắng, người đã đi vào lịch sử với tư cách là Tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ khẳng định việc có được mối quan hệ mang tính xây dựng với Nga là điều mà ông luôn hướng tới trong thời gian làm Tổng thống Mỹ.

Việc này nằm trong lợi ích của Mỹ và thế giới. Tuy nhiên, ông Obama cho rằng, những căng thẳng trong quan hệ Nga – Mỹ thời gian qua đang khiến cho mối quan hệ này trở nên khó khăn hơn. Mặc dù vậy, ông vẫn bảo vệ quyết định áp đặt lệnh trừng phạt đối với Nga trong thời gian qua. Ông Obama hy vọng người kế nhiệm của mình sẽ thực hiện những giá trị và tầm nhìn mà ông đã đề ra trong thời gian làm Tổng thống. Về phía ông Trump, vị tân chủ nhân Nhà Trắng từng nhiều lần tuyên bố sẵn sàng cải thiện quan hệ với Nga, tuy nhiên sẽ đòi hỏi việc tạo lại sự tôn trọng của Moskva đối với Washington.

Phó Tổng thống đắc cử Mỹ Mike Pence xác nhận: “... Ông Trump đã sẵn sàng tìm kiếm khả năng để Mỹ có mối quan hệ tốt hơn với Nga. Tuy nhiên, nên nhớ rằng, quan hệ tốt hơn không có nghĩa là trở thành bạn bè với các nước, mà là cài đặt lại sự tôn trọng hợp lý”. Ông Pence cho biết thêm rằng, Tổng thống đắc cử Trump tiếp cận mối quan hệ với Nga với quan điểm cởi mở và nhận thức rõ ràng về những thách thức.

Ông Donald Trump (trái) và người tiền nhiệm Barack Obama.

Ngoài điểm chung là “quan hệ tốt đẹp với Nga”, hai nhà lãnh đạo vẫn tiếp tục trong tình trạng “ông nói gà, bà nói vịt”. Liên quan tới mối quan hệ với Cuba, trong khi ông Trump đe dọa chấm dứt nỗ lực “bắt tay” với “hòn đảo tự do” của người tiền nhiệm Obama, thậm chí sẽ đảo ngược quan hệ này, thì ngay trước thềm vị tỉ phú này nhậm chức, chính quyền của ông Obama đã tiếp tục ký thêm nhiều thỏa thuận hợp tác với Cuba.

Cụ thể, Washington và La Habana đã ký kết 18 thỏa thuận hợp tác song phương trong các lĩnh vực chống khủng bố, buôn bán ma túy, vũ khí, con người, động thực vật, rửa tiền và tội phạm mạng… Trong đó văn bản mới nhất là thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực tìm kiếm và giải cứu trên không và trên biển tại eo biển Florida, Mỹ.

Theo người phụ trách Thương mại tại Đại sứ quán Mỹ ở Cuba Jeffrey DeLaurentis, thỏa thuận song phương này có vai trò quan trọng và cần thiết trong hoạt động giải cứu và tìm kiếm trên bộ và trên không giữa hai nước trong bối cảnh các hoạt động thương mại và du lịch giữa hai nước đang tăng lên nhanh chóng, qua đó, góp phần cải thiện hơn nữa quan hệ Mỹ - Cuba.

Về phía Cuba, Vụ trưởng Các vấn đề về Mỹ của Bộ Ngoại giao Cuba Josefina Vidal, cũng là người đứng đầu phía Cuba trong các cuộc đàm phán song phương chính thức với Mỹ, đã lần đầu tiên lên tiếng về phát ngôn của ông Trump về quan hệ song phương.

Bà Vidal cảnh báo: “Đe dọa, áp lực, ra điều kiện và áp đặt mệnh lệnh không có tác dụng với Cuba. Đó không phải là cách thức để có được một mối quan hệ văn minh ở mức tối thiểu với Cuba”. Điều này cho thấy, tương lai về sự “tan băng” trong quan hệ Mỹ - Cuba có vẻ rất bấp bênh dưới thời chính quyền mới của ông Trump.

“Điểm nóng” tiếp theo chính là thỏa thuận hạt nhân đạt được giữa Iran và Nhóm P5+1. Tỉ phú Trump đã nhiều lần lên tiếng phản đối văn kiện trên, mô tả “đây là thỏa thuận tồi nhất mà ông từng chứng kiến” và tuyên bố sẽ đàm phán lại thỏa thuận này.

Trước bối cảnh đó, trong thông điệp thống nhất đối với ông Trump, Liên hợp quốc (LHQ), Liên minh châu Âu (EU) và các nước tham gia ký thỏa thuận hạt nhân này khẳng định thỏa thuận vẫn đang có hiệu lực và phải được duy trì nhằm ngăn chặn Iran phát triển vũ khí hạt nhân.

Quan chức phụ trách chính trị của LHQ Jeffrey Feltman khẳng định thỏa thuận hạt nhân trên là “một hình mẫu tốt đẹp về việc làm thế nào để ngoại giao đa phương, quyết tâm chính trị và sự kiên trì có thể giải quyết được những vấn đề phức tạp nhất”.

Đồng quan điểm, đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU Federica Mogherini ca ngợi thỏa thuận là “một thành tựu lớn” và cho rằng tất cả các bên tham gia thỏa thuận phải thực hiện đầy đủ cam kết của mình. Còn Đại sứ Mỹ tại LHQ Samantha Power thì cho rằng, thỏa thuận này “cho thấy tầm quan trọng sống còn của chính sách đối ngoại không khoan nhượng”. Ngoài ra, còn rất nhiều “điểm nóng” khác.

Những thực tế trên cho thấy, sau ngày 20-1, không chỉ riêng nước Mỹ bước sang trang mới, mà nhiều nước khác cũng vậy. Chỉ không hiểu, sẽ là một trang với gam màu sáng, hay tối.

Khổng Hà
.
.
.