Mỹ bị coi "can thiệp quá sâu" vào nội bộ Haiti
Ông Ariel Henry được bổ nhiệm là Thủ tướng mới của Haiti. Ảnh Al Jazeera/Getty Images. |
Ông Ariel Henry đã tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng Haiti trong một buổi lễ ở thủ đô Port-au-Prince ngày 20/7 (giờ địa phương), cùng ngày mà lễ tưởng niệm chính thức được tổ chức để tôn vinh Tổng thống Moise đã khuất.
Đầu tuần này, quyền Thủ tướng Claude Joseph cho biết ông sẽ từ chức “vì lợi ích của quốc gia” sau khi một nhóm quan trọng gồm các nhà ngoại giao quốc tế ủng hộ ông Henry và thúc giục ông thành lập một chính phủ mới.
Trong buổi lễ, ông Henry, một bác sĩ giải phẫu thần kinh 71 tuổi và là cựu Bộ trưởng Nội các, cho biết có kế hoạch gặp gỡ với các thành phần xã hội khác nhau trong những ngày tới để xây dựng sự đồng thuận chính trị nhằm giải quyết các vấn đề mà Haiti gặp phải.
Tổng thống Moise bị ám sát vào ngày 7/7 khi một nhóm tay súng xông vào tư dinh của ông ở Port-au-Prince và xả súng vào ông và vợ ông, bà Martine Moise, người bị thương nặng.
Vụ ám sát đã đẩy Haiti, nơi đã trải qua bạo lực băng đảng gia tăng và bất ổn chính trị trong nhiều năm, rơi vào tình trạng hỗn loạn hơn nữa. 3 nhà lãnh đạo chính trị đã tranh giành quyền lãnh đạo Haiti sau cái chết của ông Moise, bao gồm cả ông Henry, người được ông Moise chọn làm thủ tướng chỉ vài ngày trước khi tổng thống bị giết.
Robert Fatton, một chuyên gia chính trị Haiti tại Đại học Virginia, Mỹ, cho biết sự ra đi của ông Joseph đã được dự kiến trước. “Mọi thứ xảy ra ở Haiti đều có một thành phần nước ngoài mạnh mẽ can thiệp”, chuyên gia này cho biết.
Cuối tuần trước, một nhóm quan chức nước ngoài đã kêu gọi thành lập “một chính phủ đồng thuận và bao trùm” ở Haiti và cho biết họ “rất khuyến khích” ông Henry với tư cách là thủ tướng được chỉ định “thành lập một chính phủ như vậy”.
Nhóm này bao gồm các đại sứ từ Đức, Brazil, Canada, Tây Ban Nha, Mỹ, Pháp, Liên minh Châu Âu.
Al Jazeera nhận định, lời tuyên thệ nhậm chức của ông Henry đánh dấu “một bước quan trọng cho sự ổn định của Haiti”.
Tuy nhiên, một liên minh đối lập đã gọi ông Henry là con rối của cộng đồng quốc tế và bác bỏ việc bổ nhiệm của ông. “Bước đi này chỉ là một hành động khiêu khích chính trị, sẽ đổ thêm dầu vào lửa và đẩy đất nước vào khủng hoảng hơn nữa,” liên minh này cho biết.
Các nhà hoạt động xã hội dân sự hàng đầu của Haiti gần đây cũng đặt câu hỏi về việc Mỹ, Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế khác thúc đẩy Haiti tổ chức tổng tuyển cử trong năm nay, nhấn mạnh rằng một cuộc bỏ phiếu sẽ không giải quyết được cuộc khủng hoảng ở một quốc gia mà nhiều cơ quan chủ chốt không hoạt động.
Ông Moise đã nắm quyền điều hành đất nước bằng sắc lệnh kể từ năm ngoái, và làm trầm trọng thêm một cuộc khủng hoảng hiến pháp và các cuộc biểu tình lớn vào tháng 2 khi ông khẳng định rằng ông còn một năm trong nhiệm kỳ tổng thống của mình, một điều mà các nhóm đối lập hết sức phản đối.
Liên quan đến vụ ám sát tổng thống, nhà chức trách Haiti đã cáo buộc một nhóm lính đánh thuê thực hiện vụ giết người này. Đến nay, 26 nghi phạm, gồm 18 người Colombia, 5 người Haiti và 3 người Mỹ gốc Haiti, đã bị bắt.
Tang lễ của ông Moise sẽ được tổ chức tại thành phố Cap-Haitien vào ngày 23/7.