Mỹ-Nga lại "đối đầu" tại Interpol
194 quốc gia thành viên Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol) chuẩn bị bỏ phiếu để bầu ra chủ tịch tiếp theo trong cuộc họp Đại hội đồng ở Dubai trong ngày 21-11.
Chân dung ông Alexander Prokopchuk. Ảnh Reuters. |
Ứng viên hàng đầu hiện nay là ông Alexander Prokopchuk, một quan chức Bộ Nội vụ Nga hiện là Phó Chủ tịch Interpol. Tuy vậy, một làn sóng phản đối và chỉ trích đang nổi lên nhằm ngăn cản Interpol bầu Prokopchuk làm chủ tịch, kế nhiệm ông Mạnh Hoành Vỹ.
Ông Mạnh Hoành Vỹ, biến mất hồi tháng 9 vừa qua sau một chuyến đi đến Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc cho biết ông này đang bị điều tra vì nhận hối lộ. Từ đó, không có bất kỳ một tung tích gì của ông này ngoài một bức thư xin từ chức.
Nhiều nghị sĩ Mỹ đã cho rằng Nga đang lợi dụng cơ quan quốc tế này để gây tác động xấu đến những người bất đồng chính kiến thông qua các lệnh truy nã đỏ.
“Việc Interpol bầu Thiếu tướng Alexander Prokopchuk làm chủ tịch mới giống như thả cáo vào chuồng gà. Nga thường xuyên lợi dụng Interpol để trả đũa và làm tổn hại các đối thủ chính trị, người bất đồng chính kiến và nhà báo”, Reuters dẫn tuyên bố của các thượng nghị sĩ Mỹ Jeanne Shaheen, Roger Wicker, Chris Coons và Marco Rubio hôm qua, nói thêm rằng ông Prokopchuk cũng “liên quan tới chiến lược đe dọa này” của Nga.
Điện Kremlin cũng đã lên tiếng bảo vệ ông Prokochuk và lên án những người phản đối. “Đây là sự can thiệp vào quá trình bỏ phiếu của một tổ chức quốc tế”, ông Dmitry Peskov, phát ngôn viên của Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh.
Phía Mỹ không chỉ phản đối đề xuất này mà còn mạnh dạn tiến cử một quan chức người Hàn Quốc, Kim Jong-yang, hiện là quyền chủ tịch của Interpol.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết: “Chúng tôi khuyến khích tất cả quốc gia và tổ chức là thành viên của Interpol cũng như thượng tôn pháp luật chọn ra một lãnh đạo uy tín, chính trực, đại diện cho một trong những cơ quan hành pháp quan trọng nhất thế giới. Chúng tôi tin rằng ông Kim sẽ là người như vậy”.