Tổng thống Putin kỳ vọng gì đối với thỏa thuận ngừng bắn tại Syria?
Theo đó, Washington và Moskva tán thành việc các bên ngừng mọi hành động thù địch tại Syria sau nửa đêm 26-2, song không áp dụng đối với cái gọi là Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và các thành viên Mặt trận Al Nusra có quan hệ với mạng lưới khủng bố quốc tế Al Qeada.
Tổng thống Putin chỉ ra rằng, thỏa thuận ngừng bắn mới đạt được “là kết quả làm việc với cường độ cao của các nhóm chuyên gia Nga và Mỹ”, sự hợp tác này dựa trên những kinh nghiệm có được sau thỏa thuận Nga – Mỹ về việc tiêu hủy kho vũ khí hóa học của Syria được ký kết vào tháng 9-2013.
Ông chủ Điện Kremlin khẳng định Nga sẽ làm “bất cứ điều gì cần thiết” để đảm bảo Damascus, chính quyền hợp pháp Syria tôn trọng thỏa thuận ngừng bắn này và Moskva đang hối thúc Mỹ cũng làm điều tương tự với đồng minh của Washington cũng như những nhóm mà Mỹ hỗ trợ.
Bên cạnh đó, Tổng thống Putin nêu rõ, Nga và Mỹ đã sẵn sàng đưa ra một cơ chế kiểm soát hiệu quả để đảm bảo việc tôn trọng các thỏa thuận ngừng bắn, thêm vào đó, đường dây thông tin liên lạc trực tiếp và một nhóm làm việc để trao đổi thông tin, nếu cần thiết, cũng sẽ được thiết lập”. Ông bày tỏ: “Cuối cùng, một cơ hội thực sự để chấm dứt những năm tháng đổ máu và bạo lực đã hiện hữu”.
Tổng thống Putin cũng khẳng định “lệnh ngừng bắn hoàn toàn bị loại trừ đối với IS, Mặt trận Al Nusra và các nhóm khủng bố khác theo định nghĩa của Liên hợp quốc (LHQ). Các cuộc tấn công chống lại những phần tử khủng bố vẫn sẽ tiếp tục”.
Theo quy định trong thỏa thuận trên, lực lượng Không quân Nga và Không quân Syria sẽ chấm dứt không kích “các nhóm đối lập vũ trang” tại Syria được các bên tham gia lệnh ngừng bắn công nhận và gửi cho phía Nga hoặc Mỹ.
Về phần mình, các nhóm đối lập có nghĩa vụ ngừng tấn công bằng mọi loại vũ khí, bao gồm cả tên lửa, mìn và tên lửa chống tăng có dẫn đường, vào quân đội Syria và các lực lượng ủng hộ quân đội này.
Tổng thống Nga Vladimir Putin. |
Bước đi quan trọng này của Nga và Mỹ ngay lập tức đã nhận được sự ủng hộ của nhiều nước và tổ chức quốc tế.
Người phát ngôn Nhà Trắng, ông Josh Earnest hôm 22-2 nhấn mạnh: “Đây là một cơ hội tốt và chúng ta hy vọng tất cả các bên sẽ nắm bắt được nó”. Tuy nhiên, ông Josh cũng nhận định rằng, “sẽ rất khó khăn để thực hiện bản kế hoạch này”.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault cho biết, Chính phủ Pháp sẽ theo dõi sát sao lệnh ngừng bắn mà ông gọi là cần “thực hiện khẩn cấp”.
Bộ Ngoại giao Anh cùng ngày cũng ra tuyên bố hoan nghênh thỏa thuận ngừng bắn tại Syria của Nga và Mỹ, đồng thời khẳng định lệnh ngừng bắn chỉ có thể được thực hiện khi chính quyền Syria và các bên ủng hộ thay đổi chính sách của mình.
Về phía các tổ chức quốc tế, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon nhấn mạnh thỏa thuận của Nga và Mỹ thể hiện quyết tâm của ISSG trong việc gây ảnh hưởng lên các bên tham chiến để ngay lập tức giảm bớt tình trạng bạo lực - bước đi đầu tiên hướng tới lệnh ngừng bắn lâu dài hơn".
Thỏa thuận này giúp tạo ra môi trường thuận lợi cho việc nối lại các cuộc đàm phán chính trị. Tổng Thư ký LHQ bày tỏ tin tưởng rằng, nếu được tôn trọng, thỏa thuận ngừng bắn sẽ thúc đẩy đáng kể việc thực thi nghị quyết 2254 (năm 2015) của Hội đồng bảo an, theo đó LHQ có thể đóng vai trò tích cực hơn nhằm thúc đẩy các bên tại Syria tham gia đàm phán về các vấn đề như quá độ chính trị, thực thi khung thời gian của lệnh ngừng bắn, soạn thảo hiến pháp mới và tiến hành bầu cử.
Tổng Thư ký Ban Ki-moon kêu gọi các bên tuân thủ những điều khoản của thỏa thuận ngừng bắn và cho biết Văn phòng Đặc phái viên về Syria sẵn sàng hỗ trợ việc thực thi thỏa thuận tại cả trên thực địa ở Damascus lẫn ở Geneva. LHQ cũng sẽ trông đợi vào sự hợp tác của các nước thành viên vì tất cả những nước và tổ chức này đều cùng tham gia tạo cơ chế thực thi thỏa thuận ngừng bắn.
Ông nhấn mạnh: “Phía trước còn rất nhiều việc phải làm để đảm bảo thỏa thuận ngừng bắn được thực thi, do đó cộng đồng quốc tế, ISSG và các bên tham chiến tại Syria phải thật kiên định và quyết tâm”. Trong khi đó, Israel lại tỏ ra nghi ngờ khả năng duy trì lệnh ngừng bắn mới tại Syria vì không bao gồm IS và Mặt trận Al Nusra.
Về phần mình, phe đối lập Syria ngày 23-2 đã chấp nhận các điều khoản của thỏa thuận ngừng bắn mới, với những điều kiện là phải dỡ bỏ bao vây, phóng thích tù nhân, ngừng ném bom dân thường và phân phát viện trợ nhân đạo. Bên cạnh đó, Hội đồng đàm phán tối cao - cơ quan đại diện phe đối lập Syria ở nước ngoài - đã bác bỏ khả năng tổ chức tổng tuyển cử với lý do “không thể bầu cử ở một nước đang có nội chiến”. Những thực tế này là dấu hiệu cho thấy, tính khả thi của lệnh ngừng bắn ở Syria vẫn còn rất mong manh. |