Hơn 90% người đi bỏ phiếu ủng hộ việc đổi tên nước Macedonia

Thứ Hai, 01/10/2018, 10:06
Sputnik ngày 1-10 đưa tin, phần lớn cử tri Macedonia tham gia cuộc trưng cầu dân ý về việc đổi tên nước ủng hộ Chính phủ trong việc thực hiện thỏa thuận đã ký kết với Hy Lạp hồi tháng 6. Tuy nhiên, so số lượng cử tri bầu cử chưa đạt được 50% nên nước này cần tổ chức thêm một cuộc bỏ phiếu nhanh để đưa ra được quyết định cuối cùng. 

Theo đó, kết quả bầu cử sơ bộ của cuộc trưng cầu dân ý về việc Macedonia đổi tên nước thành Công hòa Bắc Macedonia hôm 30-9 đã chỉ ra rằng, phần lớn người dân nước này ủng hộ Chính phủ của ông Zoran Zaev. 

Ủy ban Bầu cử Macedonia thông báo, sau khi kiểm phiếu tại 43% điểm bỏ phiếu , có đến 90,72% số phiếu ủng hộ đổi tên nước và chỉ 6,26 % số phiếu phản đối kế hoạch này. Tuy nhiên, tỷ lệ cử tri tham gia cuộc trưng cầu dân ý này ở mức thấp, chỉ bằng 1/3 tổng số cử tri tại Macedonia. Để cuộc trưng cầu có hiệu lực, số cử tri tham gia bỏ phiếu phải đạt ít nhất 50%. 

Thủ tướng Zorah Zaev cho biết đã hối thúc Quốc hội nước này bỏ phiếu thông qua ý nguyện của đa số cử tri. Ảnh: Reuters. 

Phát biểu tại một cuộc họp báo, Thủ tướng Zorah Zaev cho biết: "Đây là một đóng góp quan trọng. Hôm nay (30-10), hơn 650.000 công dân đã đi bỏ phiếu và hơn 90% cử tri ủng hộ. Sự kiện này được coi là dấu mốc trong việc đặt nền tảng hướng tới tương lai tươi sáng hơn cho Macedonia". 

Ông Zorah Zaev cũng đồng thời hối thúc Quốc hội nước này thông qua ý nguyện của đa số, sau khi hơn 90% số cử tri tham gia cuộc trưng cầu dân ý nhất trí đổi tên nước thành Cộng hòa Bắc Macedonia. 

Tuy nhiên, với tỷ lệ cử tri tham gia thấp, cuộc trưng cầu dân ý không bắt buộc về việc đổi tên nước này cần phải được 2/3 số nghị sỹ trong Quốc hội Macedonia thông qua. Và điều này đồng nghĩa Thủ tướng Macedonia và các đối tác thuộc nhóm sắc tộc thiểu số người Albani trong liên minh của ông cần ít nhất 12 nghị sỹ thuộc phe đối lập ủng hộ kế hoạch đổi tên nước này.

Ngoại trưởng Macedonia và Hy Lạp đã ký kết thỏa thuận đổi tên nước hôm 17-6. Ảnh: Getty. 

Trong một diễn biến liên quan, Ủy viên EU phụ trách các cuộc đàm phán mở Johannes Hahn đã chúc mừng Thủ tướng Macedonia và cho rằng kết quả sơ bộ của cuộc trưng cầu dân ý cho thấy cam kết hội nhập EU của cử tri Macedonia, đồng thời kêu gọi các nhà lãnh đạo chính trị tôn trọng quyết định này. 

Hôm 17-6, Ngoại trưởng Hy Lạp Nikos Kotzias và người đồng cấp Macedonia Nikola Dimitrov đã ký kết thỏa thuận lịch sử giữa hai nước về việc đổi tên Macedonia thành Cộng hòa Bắc Macedonia. 

Theo thỏa thuận nêu trên, Macedonia lâu nay được biết đến với tên gọi tạm thời là Cộng hòa Nam Tư cũ Macedonia sẽ đổi tên thành Cộng hòa Bắc Macedonia. Thủ tướng Macedonia Zoran Zaev tuyên bố, việc đổi tên nước để tránh trùng lặp với tên một tỉnh miền Bắc của nước láng giềng Hy Lạp, sẽ dọn đường giúp quốc gia Balka này gia nhập EU và NATO một cách thuận lợi.

Kể từ khi Macedonia tuyên bố độc lập vào ngày 8-9-1991, Hy Lạp đã luôn phản đối tên gọi của nước này và ngăn cản Macedonia không thể gia nhập EU và NATO. 

Athens lo ngại sự trùng hợp này có thể dẫn đến tranh chấp về lãnh thổ với quốc gia láng giềng, cho rằng việc sử dụng tên gọi của quốc gia láng giềng là Macedonia đồng nghĩa với việc Skopje có yêu sách lãnh thổ với vùng đất cùng tên gọi nằm ở phía Bắc Hy Lạp, nơi có 2 thành phố Thessaloniki và Kavala được coi là di sản văn hóa tôn nghiêm của Hy Lạp. 

N.U
.
.
.