Lực lượng Mỹ ở Syria bị trả đũa với loạt đạn pháo
Ảnh minh họa AP. |
Đại tá Wayne Marotto, một phát ngôn viên của quân đội Mỹ, đã thông tin thêm rằng không có thương vong nào được ghi nhận trong vụ tấn công ở khu vực phía đông Syria này, tuy nhiên, không nói rõ ai là người chịu trách nhiệm cho vụ việc.
Theo một số nguồn tin, nhóm dân quân do Iran hậu thuẫn đã bắn một loạt đạn pháo vào khu vực gần mỏ dầu al Omar, hiện được quản lý bởi Lực lượng Dân chủ Syria do Mỹ hậu thuẫn.
Vụ việc này làm dấy lên lo ngại về nguy cơ leo thang căng thẳng và giới hạn hỏa lực của quân đội Mỹ trong việc kiềm chế lực lượng dân quân liên kết với Iran, bị Washington quy trách nhiệm cho một loạt các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái ngày càng tinh vi nhằm vào nhân viên và cơ sở của Mỹ ở Iraq.
Vài giờ trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Nhà Trắng đã lên tiếng biện minh cho cuộc không kích của Mỹ ở biên giới Iraq-Syria là nhằm “giảm bớt nguy cơ xung đột”.
Phát biểu tại Rome, Italia, Ngoại trưởng Mỹ cho biết “Washington đã thực hiện hành động cần thiết, thích hợp, có chủ ý nhằm hạn chế nguy cơ leo thang, nhưng cũng để gửi một thông điệp răn đe rõ ràng và rõ ràng”.
Các nhóm dân quân Iraq liên kết với Iran trong một tuyên bố mới đây nêu tên 4 thành viên của nhóm Kataib Sayyed al-Shuhada mà họ cho là đã thiệt mạng trong cuộc tấn công ở biên giới Syria-Iraq, cùng với đó là lời thề sẽ đáp trả Mỹ. Tuy vậy, đến nay chưa có nhóm nào được xác định là đứng đằng sau vụ nã pháo vào quân Mỹ.
Chính phủ Iraq, vốn rất cảnh giác với việc bị lôi kéo vào một cuộc xung đột Mỹ-Iran, đã lên án các cuộc tấn công của Mỹ trên lãnh thổ của mình và cho biết họ sẽ “nghiên cứu tất cả các lựa chọn pháp lý” để ngăn chặn hành động này có thể lặp lại. Syria gọi các cuộc không kích là “sự vi phạm rõ ràng đối với sự tôn nghiêm của các vùng đất của Syria và Iraq”.
Cuộc không kích hôm 27/6 là lần thứ hai Tổng thống Joe Biden ra lệnh tấn công trả đũa các lực lượng dân quân do Iran hậu thuẫn kể từ khi lên nắm quyền. Hồi tháng 2, ông từng ra lệnh tiến hành không kích tại Syria với lý do đáp trả các cuộc tấn công bằng tên lửa tại Iraq.
Một số nguồn tin khác cho biết, các lực lượng dân quân do Iran hậu thuẫn đã thực hiện ít nhất 5 cuộc tấn công bằng máy bay không người lái nhằm vào các cơ sở do quân đội Mỹ và liên quân sử dụng ở Iraq kể từ tháng 4.
Chính quyền Biden đang tìm cách để hồi sinh thỏa thuận hạt nhân với Iran năm 2015. Dù vậy, các động thái không mấy thân thiện từ cả hai bên trong thời gian gần đây khiến hy vọng khởi động lại thỏa thuận dường như mong manh hơn.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki gọi Iran là một “nhân tố xấu” trong khu vực, nhiều ý kiến khác cũng cho rằng Iran không đáng tin và rằng những cuộc tấn công là bằng chứng cho thấy Iran và các chân rết của mình sẽ không bao giờ chấp nhận sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Iraq và Syria.
Mới đây, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh kêu gọi Mỹ tránh “tạo khủng hoảng” tại khu vực, tố cáo Washington “rõ ràng đang phá vỡ an ninh tại khu vực” và “một trong những nạn nhân của việc an ninh bị ảnh hưởng lại chính là Mỹ”.