Lo chạy đua vũ trang, Nga hối thúc Mỹ gia hạn hiệp ước hạt nhân
- Nguy cơ bùng phát chạy đua vũ trang thời hậu INF
- Nga tố Mỹ "khơi mào" chạy đua vũ trang sau vụ thử tên lửa tầm trung
- Mỹ tố Iran dùng xuồng vũ trang bắt 'hụt' siêu tàu dầu của Anh
Tên lửa hạt nhân Nga tiến vào Quảng trường Đỏ trong lễ duyệt binh mừng Ngày Chiến thắng 9-5. Ảnh: TASS |
"Về việc Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) sụp đổ, Nga lo điều đó đồng nghĩa với việc hệ thống kiểm soát vũ khí đã đổ vỡ hoàn toàn? Hiện còn có hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công kí năm 2010, có hiệu lực đến tháng 2-2021, và có thể gia hạn 5 năm, Nga đã sẵn sàng và đang đợi phản ứng từ Mỹ", Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 2-9 tuyên bố, theo TASS.
Mỹ và Nga năm 2010 ký New START, quy định mỗi bên chỉ được phép triển khai tối đa 1.550 đầu đạn hạt nhân chiến lược trên 700 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa hoặc oanh tạc cơ. Tuy nhiên, hiệp ước này sẽ hết hạn vào cuối năm 2021.
Sau khi rút khỏi INF, các quan chức Mỹ gần đây khẳng định họ sẽ không gia hạn hiệp ước New START, bất chấp lời kêu gọi duy trì của Nga. Washington cho rằng bất cứ thỏa thuận cắt giảm vũ khí chiến lược nào mà không có sự góp mặt của Trung Quốc sẽ đều thiếu tính toàn diện.
Hồi tháng 6, tại cuộc gặp bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 tại Nhật Bản, Tổng thống Donald Trump từng phát tín hiệu tới Chủ tịch Trung Quốc về hiệp ước kiểm soát vũ khí ba bên. Tổng thống Nga tỏ ý quan tâm đến đề xuất, trong khi Bắc Kinh bác bỏ khả năng này.
New START được đánh giá là hiệp ước cắt giảm vũ khí quan trọng. Nếu văn kiện này sụp đổ, thế giới có thể chứng kiến một cuộc chạy đua vũ trang mới giữa các cường quốc.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guteres từng nhấn mạnh New START "là công cụ pháp lý quốc tế duy nhất giới hạn quy mô kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới" và khẳng định hiệp ước này "thể hiện tầm quan trọng của các biện pháp xây dựng lòng tin mang lại lợi ích cho toàn thế giới".