Liên hợp quốc và Mỹ quan ngại chiến sự giữa Saudi Arabia và Houthi

Thứ Tư, 10/03/2021, 07:47
Lực lượng Houthi ở Yemen mới đây đã tiến hành tấn công một loạt các khu vực của Saudi Arabia bằng máy bay không người lái và tên lửa, trong đó có vụ tấn công tên lửa vào các nhà máy lọc dầu quan trọng. Chiến sự đã leo thang khi Saudi Arabia tấn công đáp trả. Thế giới hiện đang rất quan ngại tình hình, đồng thời hối thúc các bên tìm ra giải pháp cho vấn đề Yemen.


Giá dầu thế giới đã leo thang, vượt ngưỡng 70 USD/thùng - mức cao nhất từ tháng 1/2020, sau loạt vụ tấn công của Houthi nhắm vào các cơ sở dầu mỏ của Saudi Arabia hôm 7/3. Một trong những mục tiêu của Houthi là một kho chứa dầu ở thành phố Ras Tanura - địa điểm của nhà máy lọc dầu và cơ sở nạp dầu ngoài khơi lớn nhất thế giới.

Thông báo của lực lượng Houthi cho biết đã sử dụng 14 thiết bị bay không người lái và bắn 8 tên lửa đạn đạo trong "chiến dịch tấn  công rộng khắp ở trung tâm Saudi Arabia", gồm nhiều cơ sở quân sự tại các thành phố Dammam, Asir và Jazan của Saudi Arabia. Tuy nhiên, Saudi Arabia tuyên bố đã tiến hành các vụ đánh chặn và hầu hết trong số đó thành công. Kết quả là loạt vụ tấn công không gây ra bất kỳ thiệt hại đáng kể nào về người và tài sản.

Trên thực tế, căng thẳng vẫn chưa hết. Bộ Quốc phòng Saudi Arabia đã chỉ trích các vụ tấn công, coi đó là hành vi phá hoại không chỉ nhằm vào Saudi Arabia mà còn nhằm vào cả an ninh và sự ổn định của nguồn cung cấp năng lượng cho thế giới, ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế toàn cầu. Trong khi, Liên quân Arab do Saudi Arabia dẫn đầu cáo buộc Iran "tiếp tay" cho các vụ tấn công khi cung cấp tên lửa và máy bay không người lái cho phía Houthi.

Một bể chứa dầu bị hư hỏng sau vụ tấn công bằng tên lửa do lực lượng Houthi tiến hành nhằm vào nhà máy phân phối các sản phẩm dầu mỏ phía Bắc thành phố Jeddah, Saudi Arabia. Ảnh: Tân Hoa xã

Hôm 8/3, Saudi Arabia đã cùng với các nước đồng minh trong Liên quân Arab đã tiến hành các vụ tấn công đáp trả nhằm vào các cứ điểm của lực lượng Houthi tại Yemen, bao gồm Thủ đô Sana'a và thành phố cảng biển quan trọng Hodeidah.

Diễn biến leo thang căng thẳng khiến thế giới vô cùng quan ngại. Người phát ngôn của Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Stéphane Dujarric cho biết: "Chúng tôi lên án loạt vụ tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa đạn đạo nhằm vào nhiều địa điểm của Saudi Arabia. Lực lượng Houthi đã lên tiếng thừa nhận tiến hành các vụ tấn công này. Chúng tôi cũng quan ngại các vụ không kích đáp trả của Liên quân Arab do Saudi Arabia dẫn đầu nhằm vào Houthi sau đó. LHQ kêu gọi các bên tuân thủ các nghĩa vụ theo luật nhân đạo quốc tế. Những vụ tấn công như vậy cũng làm hành vi có hại cho các nỗ lực hòa giải giữa các bên Yemen của Đặc phái viên Martin Griffiths - người sẽ tiếp tục thúc đẩy một tiến trình chính trị nhằm chấm dứt xung đột".

Trong khi đó, chính quyền Mỹ của Tổng thống Joe Biden - người vừa mới đưa Houthi ra khỏi danh sách khủng bố cũng kêu gọi Saudi Arabia và Houthi ngừng làm leo thang căng thẳng. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết: "Những cuộc tấn công này là không thể chấp nhận được. Chúng khiến cuộc sống của dân thường gặp nguy hiểm, bao gồm cả tính mạng của công dân Mỹ tại Saudi Arabia. Chúng tôi quan ngại sâu sắc về các cuộc tấn công của Houthi. Những cuộc tấn công như thế này không phải là hành động của một nhóm coi trọng hòa bình. Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên nghiêm túc cam kết ngừng bắn, tham gia vào các cuộc đàm phán dưới sự bảo trợ của LHQ kết hợp với đặc phái viên của chúng tôi".

Về phần mình, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki nhấn mạnh, Mỹ sẽ tìm cách cải thiện hỗ trợ cho khả năng bảo vệ lãnh thổ của Saudi Arabia trước các mối đe dọa, trong đó có các thiết bị phòng không.

Yemen rơi vào cuộc nội chiến kể từ năm 2014 khi các tay súng Houthi đánh chiếm Thủ đô Sanaa buộc chính phủ của Tổng thống Mansour Hadi phải lưu vong. Năm 2015, liên minh quân sự giữa các quốc gia Arab do Saudi Arabia đứng đầu can thiệp vào Yemen để hỗ trợ chính quyền Tổng thống Mansour Hadi khôi phục quyền lực.

Theo LHQ, đến nay, xung đột tại Yemen đã cướp đi sinh mạng của hàng chục nghìn người, phần lớn là dân thường, gây ra cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới. Hồi đầu tháng này, hơn 100 đại diện của chính phủ các nước và nhà tài trợ đã tham gia hội nghị trực tuyến gây quỹ viện trợ cho Yemen, do Thụy Điển và Thụy Sĩ chủ trì. Tuy nhiên, hội nghị đã không đạt được 50% kinh phí cần thiết để giải quyết nạn đói nghiêm trọng tại Yemen.

Cụ thể, LHQ đặt mục tiêu gây quỹ viện trợ nhân đạo khẩn cấp trị giá 3,85 tỷ USD, song các nhà tài trợ tại hội nghị trên chỉ đưa ra cam kết viện trợ tổng cộng 1,7 tỷ USD. Trong một tuyên bố, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres bày tỏ thất vọng về kết quả của hội nghị, nêu rõ số tiền cam kết này thấp hơn 1 tỷ USD so với khoản cam kết được đưa ra tại hội nghị năm 2019 và ít hơn khoản tiền 1,9 tỷ USD mà LHQ nhận được trong năm 2020 khi các khoản quyên góp bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. 

Cuộc xung đột kéo dài 6 năm qua đã cướp đi sinh mạng của hàng chục nghìn người Yemen và đẩy hàng triệu người nước này đến bờ vực nạn đói. LHQ đánh giá đây là cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới. Các khoản viện trợ bị cắt giảm trong năm 2020 do đại dịch COVID-19 đã khiến nhiều chương trình viện trợ nhân đạo bị gián đoạn và tình hình tại Yemen càng thêm khó khăn hơn. Thống kê mới nhất của LHQ cho thấy hơn 16 triệu người trong tổng số 29 triệu người dân Yemen sẽ phải đối mặt với nạn đói trong năm nay và gần 50.000 người có thể  tử vong. Ước tính 400.000 trẻ em Yemen dưới 5 tuổi có thể tử vong do suy dinh dưỡng nặng.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.