Lầu Năm Góc quan ngại hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông
- Cần nhận diện đúng các vấn đề về chủ quyền Biển Đông
- Nhiều nước bác bỏ yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông
- Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lên án hành động của Trung Quốc ở Biển Đông
"Bộ trưởng Mask Esper nhấn mạnh tầm quan trọng của việc Trung Quốc tuân thủ luật pháp, quy tắc, chuẩn mực quốc tế và thực thi các cam kết quốc tế của mình", Jonathan Hoffman, phát ngôn viên Lầu Năm Góc nói với các phóng viên hôm 6/8, đồng thời cho biết thêm rằng, cuộc điện đàm giữa hai quan chức đã kéo dài tới một tiếng rưỡi.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper. (Ảnh: Reuters) |
Đây là cuộc điện đàm đầu tiên giữa hai quan chức cấp cao hai nước kể từ tháng 3 tới nay, diễn ra trong bối cảnh quan hệ song phương đang ở mức thấp nhất trong hàng chục năm qua vì hàng loạt vấn đề, như nguồn gốc và cách ứng phó với đại dịch COVID-19, hoạt động của tập đoàn viễn thông Huawei, yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông và luật an ninh Hong Kong.
Một tuyên bố riêng của Lầu Năm Góc cho biết, cả hai bên đã nhất trí về việc “phát triển các hệ thống cần thiết để liên lạc trong khủng hoảng và giảm thiểu rủi ro”.
Liên quan đến cuộc điện đàm, hãng Tân Hoa Xã đưa tin, "Bộ trưởng Ngụy Phượng Hòa kêu gọi phía Mỹ ngưng sử dụng các ngôn từ và hành động sai lầm, cải thiện khả năng quản lý và kiểm soát rủi ro hàng hải, tránh thực hiện các động thái nguy hiểm có thể làm leo thang căng thẳng; bảo vệ hòa bình và ổn định khu vực".
Trung Quốc hôm 5/8 cảnh báo sẽ có biện pháp đối phó với chuyến thăm đến Đài Loan sắp tới của Bộ trưởng Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ Alex Azar.
Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mask Esper đã bày tỏ hy vọng sẽ đến thăm Trung Quốc vào cuối năm nay để cải thiện các kênh “liên lạc trong khủng hoảng” và giải quyết các lĩnh vực khác mà hai bên cùng quan tâm.
Ngày 13/7 vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã đưa ra tuyên bố bác bỏ gần như toàn bộ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở khu vực Biển Đông. Ông Pompeo cho biết: “Những yêu sách của Bắc Kinh đối với nguồn tài nguyên ngoài khơi trên hầu hết Biển Đông cũng như chiến dịch bắt nạt nhằm kiểm soát chúng là hoàn toàn phi pháp”.
Cũng ở trong tuyên bố ấy, Mỹ thẳng thừng bác bỏ mọi yêu sách hàng hải của Trung Quốc đối với các vùng biển ở quanh bãi Tư Chính của Việt Nam, bãi cạn Luconia của Malaysia, vùng biển trong vùng đặc quyền kinh tế của Brunei và quần đảo Natuna của Indonesia.