LHQ hối thúc Mỹ-Nga đàm phán gia hạn hiệp ước hạt nhân

Thứ Sáu, 15/05/2020, 16:50
Liên Hợp Quốc (LHQ) kêu gọi Nga và Mỹ gia hạn Hiệp ước cắt giảm và hạn chế vũ khí tấn công chiến lược START mới, còn gọi là START-3, trong bối cảnh Washington muốn từ bỏ văn kiện.

Tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân được khai hoả. Ảnh: GR

"Chúng tôi tin rằng các hiệp ước như START là một phần không thể thiếu trong môi trường không phổ biến và giải giáp (vũ khí) mà chúng tôi ủng hộ. Hi vọng các nước thành viên của hiệp ước tìm được điểm chung và đi đúng hướng", Phát ngôn viên Tổng Thư ký LHQ Stephane Dujarric ngày 14/5 kêu gọi, Sputnik đưa tin.

Lời đề nghị được đưa ra sau khi Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov nói rằng Nga vẫn chưa nhận được tín hiệu từ phía Mỹ về ý định gia hạn Hiệp ước START-3, vốn được Moscow xem là văn kiện chiến lược ngăn chạy đua hạt nhân giữa Nga-Mỹ.

START-3, được ký năm 2010 và hết hạn vào tháng 2/2021, quy định Nga và Mỹ mỗi bên chỉ được phép triển khai tối đa 1.550 đầu đạn hạt nhân chiến lược trên 700 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa hoặc oanh tạc cơ.

Mỹ gần đây tỏ ra không muốn gia hạn hiệp ước. Tổng thống Mỹ Donald Trump nói ông muốn một thỏa thuận hạt nhân ba bên mới giữa Nga, Trung Quốc và Mỹ vì theo quan điểm của Washington, Hiệp ước START-3 "lỗi thời" khi không có sự tham dự của Bắc Kinh.

Đáp lại quan điểm này, quan chức Trung Quốc hồi năm ngoái từng tuyên bố không có ý định tham gia các cuộc đàm phán với Nga và Mỹ liên quan tới hiệp ước kiểm soát vũ khí.

Từ Moscow, giới chức Nga cho hay sẵn sàng tham gia các cuộc đàm phán với các bên nhưng phải dựa trên tinh thần tự nguyên. Nga đề nghị Mỹ sớm thảo luận về việc gia hạn START-3 thay vì viện cớ để rút lui.

Một số nhà quan sát cho rằng Mỹ dường như muốn rút khỏi START-3 để tái triển khai vũ khí răn đe, trong bối cảnh Bộ Quốc phòng Mỹ thừa nhận thua kém Nga rất xa trong lĩnh vực tên lửa siêu vượt âm, loại vũ khí có thể thay đổi thế cân bằng chiến lược.

Mỹ đầu năm ngoái chính thức rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) kí với Liên Xô, nay là Nga, vào năm 1987, sau đó lập tức thử nghiệm các mẫu vũ khí mới, vốn bị cấm bởi INF.

Thiện Nhân
.
.
.