Mỹ kêu gọi Nga, Trung Quốc đàm phán kiểm soát vũ khí hạt nhân

Thứ Sáu, 08/05/2020, 08:15

Nhà Trắng ngày 7/5 cho biết, Tổng thống Mỹ Donald Trump nhấn mạnh mong muốn về một hiệp ước kiểm soát vũ khí có cả Nga và Trung Quốc trong một cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh minh họa Reuters. 

“Tổng thống Trump tái khẳng định rằng Mỹ cam kết một sự kiểm soát vũ khí hiệu quả với sự tham gia không chỉ của Nga mà còn cả Trung Quốc, và mong đợi các cuộc đàm phán trong tương lai để tránh một cuộc chạy đua vũ trang tốn kém”, Nhà Trắng cho biết.

Ông Trump đã nhiều lần nhấn mạnh rằng Trung Quốc nên tham gia cùng Mỹ và Nga trong các cuộc đàm phán về một thỏa thuận kiểm soát vũ khí nhằm thay thế cho hiệp ước START mới 2010 giữa Washington và Moscow, đã hết hạn hồi tháng 2.

START mới đã hạn chế Mỹ và Nga triển khai không quá 1.550 đầu đạn hạt nhân, mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ và hạn chế các tên lửa và máy bay ném bom trên đất liền cũng như tàu ngầm hỗ trợ.

Trung Quốc, ước tính có khoảng 300 vũ khí hạt nhân, đã nhiều lần từ chối đề xuất của ông Trump, cho rằng lực lượng hạt nhân của họ là nhằm mục đích phòng thủ và không có mối đe dọa nào.

Cuộc gọi giữa ông Trump và ông Putin diễn ra vào dịp kỷ niệm 75 năm kết thúc Thế chiến thứ hai ở châu Âu. Ông Trump trước đó cũng cho biết Mỹ sẵn sàng giúp đỡ bất kỳ nước nào trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh COVID-19, kể cả Nga.

Ông Trump sau đó nói với các phóng viên rằng ông Putin đã chấp nhận lời đề nghị cung cấp máy thở để giúp điều trị cho những người mắc COVID-19, nói thêm rằng Nga đang đối mặt rất nhiều khó khăn trong bối cảnh đại dịch.

Trong tuyên bố riêng, Điện Kremlin cho biết, bên phía Mỹ đã đề xuất gửi một kiện hàng hóa thiết bị y tế cho Nga, nhưng không cung cấp thêm thông tin chi tiết. Điện Kremlin cũng cho biết hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về thị trường dầu mỏ toàn cầu cũng như các vấn đề khác. Tuy nhiên, không đề cập cụ thể nào về kiểm soát vũ khí, chỉ cho biết ngắn gọn rằng hai nước có khả năng hợp tác để đảm bảo “sự ổn định chiến lược”.

Duy Tiến
.
.
.