Kỳ vọng một sự thỏa hiệp trước khác biệt giữa EU và Anh

Thứ Hai, 09/03/2020, 08:15
Liên minh châu Âu (EU) và Anh đã kết thúc vòng đàm phán đầu tiên về mối quan hệ tương lai. Mặc dù cả hai bên đều cho thấy sự quyết tâm trong việc đạt được một thỏa thuận trước cuối năm nay, nhưng trong vòng đàm phán này, hai bên dường như giậm chân tại chỗ khi còn nhiều điểm bất đồng. Tuy nhiên, giới chuyên gia bày tỏ tin tưởng rằng một thỏa thuận vẫn có thể đạt được.


Những “bất đồng nghiêm trọng”

Trao đổi với báo giới sau vòng đàm phán đầu tiên giữa hai bên về một thỏa thuận mới thời hậu Brexit, ngày 6/3, Trưởng đoàn đàm phán của EU Michel Barnier đã lên tiếng thừa nhận tồn tại “bất đồng nghiêm trọng” giữa Anh và EU về mối quan hệ song phương trong tương lai. 

“Chúng tôi nhận thấy có một số điểm tương đồng giữa hai bên trong một số chủ đề cụ thể, ví dụ như hợp tác trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử dân sự hay sự tham gia của Vương quốc Anh vào một số chương trình của EU. Nhưng, thực lòng mà nói, vẫn còn nhiều bất đồng, thậm chí là bất đồng nghiêm trọng. Đây có lẽ là điều hiển nhiên sau vòng đàm phán đầu tiên”, ông Michel Barnier nói. 

Theo ông, 4 vấn đề bất đồng cần phải được giải quyết nếu hai bên muốn đạt được một thỏa thuận sau khi nước Anh rời khỏi EU, còn gọi là Brexit, đó là tiêu chuẩn cao trong cạnh tranh, hợp tác tư pháp, quản trị quan hệ tương lai và thỏa thuận về đánh bắt cá. Trưởng đoàn đàm phán EU nêu rõ thứ nhất phía Anh không muốn đưa ra các quy tắc chung ràng buộc về mặt pháp lý trong lĩnh vực cạnh tranh và kinh doanh. 

Thứ hai, Anh từ chối chấp nhận nghĩa vụ thực thi Công ước châu Âu về quyền con người, đồng thời không công nhận các quyết định của Tòa án công lý châu Âu trên lãnh thổ nước mình, điều này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng hợp tác giữa cảnh sát EU và Anh. 

Thứ ba, Vương quốc Anh muốn ký kết một loạt thỏa thuận với EU về các lĩnh vực hợp tác khác nhau, trong khi Brussels đề xuất tập hợp thành một thỏa thuận liên kết bao trùm toàn bộ. 

Cuối cùng là về đánh bắt cá, EU muốn đưa ra chi tiết hạn ngạch cho các vùng biển và các loài cá, còn phía Anh đề nghị tuân thủ nguyên tắc tiếp cận bình đẳng với vùng biển của nhau...

Toàn cảnh vòng đàm phán hậu Brexit giữa Anh và EU diễn ra tại Brussels, Bỉ.

Theo lịch trình, các đoàn đàm phán hai bên sẽ gặp lại nhau vào cuối tháng này trong phiên đàm phán thứ hai được tổ chức tại Thủ đô London của Anh. Nhiều chuyên gia cảnh báo Anh và EU sẽ không thể đạt được thỏa thuận trước cuối năm nay nếu hai bên không chịu nhân nhượng. Trong trường hợp này, cả hai bên sẽ đều bị thiệt hại về kinh tế.

Kỳ vọng về một sự thỏa hiệp bất chấp khác biệt

Theo giới chuyên gia, mặc dù hai bên đã có một sự khởi đầu trắc trở và sự khác biệt không thể phủ nhận cùng những lời tuyên bố cứng rắn từ hai phía, nhưng một thỏa thuận vẫn có thể đạt được. Lý do được đưa ra là thực tế thì hai bên đã đồng ý với đường hướng chung của thỏa thuận, là một hiệp định thương mại tự do không thuế quan. Ngoài ra, sự ủy nhiệm cũng sẽ mở đường cho cuộc chơi mà trong đó cả hai bên cần phải thỏa hiệp. 

Tính tới nay, bất đồng quan trọng giữa Anh và EU nằm ở câu hỏi về cái được gọi là nghĩa vụ “sân chơi bình đẳng”. 

Anh chấp nhận sự cần thiết của một số nghĩa vụ trong lĩnh vực này, nhưng London cũng có lý khi đưa ra lập luận rằng các thỏa thuận thương mại trước đây của EU phải là tiêu chuẩn cho mức độ của các nghĩa vụ đó. 

Quan điểm EU là tối đa, dù có khác nhau theo từng vấn đề. Về trợ cấp nhà nước, các yêu cầu của họ là cực độ - Anh phải tuân thủ như hiện nay, dựa trên luật pháp của EU và Tòa án Công lý châu Âu (ECJ) kiểm soát. 

Cả ba yêu cầu này đều vượt qua “ranh giới đỏ” của Anh và triển vọng của việc thống nhất với luật pháp EU trong tương lai trong lĩnh vực này, được thi hành bởi ECJ, là điều khó có thể thành công. 

Ngược lại, quan điểm của EU trong các vấn đề khác của sân chơi bình đẳng - như tiêu chuẩn xã hội và môi trường - thì ôn hòa hơn. Quan điểm ở đây là Anh nên duy trì các tiêu chuẩn chung có từ cuối giai đoạn chuyển tiếp.

Trong khi đó, bên cạnh “hòn đá” ngáng đường sân chơi bình đẳng then chốt, giữa Anh và EU vẫn tồn tại nhiều khác biệt cần vượt qua. Trưởng đoàn đàm phán EU đã xác định đánh bắt cá là một trong hai ưu tiên hàng đầu của EU, cùng với sân chơi bình đẳng. 

Trở ngại tiếp theo liên quan đến việc ECJ - tòa án tối cao của EU - đã trở thành một biểu tượng bị “ghét bỏ” đối với những người ủng hộ Anh rời khỏi EU trong 47 năm qua, khi Anh là thành viên của khối. 

Nhiệm vụ đàm phán của EU đã làm giảm đáng kể vai trò của ECJ với việc đề xuất rằng một hội đồng trọng tài độc lập được thành lập để phán quyết về phần lớn các tranh chấp. 

Tuy nhiên, ECJ vẫn sẽ đóng một vai trò khi một tranh chấp cần có phán quyết về một vấn đề của luật pháp EU, vì Tòa này là cơ quan có thẩm quyền cao nhất của EU về tư pháp. 

Trong khi đó, London nói rằng ECJ sẽ “không có vai trò nào” trong việc giải quyết tranh chấp, và nói rằng thỏa thuận mới phải được điều chỉnh bởi các nguyên tắc “phù hợp với mối quan hệ bình đẳng có chủ quyền”.

Ở một góc nhìn lạc quan, không có gì ngạc nhiên khi EU và Anh đưa ra các quan điểm khởi đầu khác nhau - điều này là bình thường trong một cuộc đàm phán thương mại. Không cần chính phủ phải nhượng bộ ngay bây giờ - nếu có một bãi đáp có thể chấp nhận được cho một thỏa thuận, về sân chơi bình đẳng và các vấn đề khác, thì nó sẽ chỉ xuất hiện sau khi đã có các cuộc đàm phán khó khăn. 

Các cuộc đàm phán thỏa thuận ra đi cho thấy rằng EU sẵn sàng thỏa hiệp để tránh việc “không thỏa thuận”. Trong khi đó, các yêu cầu của EU về tiêu chuẩn lao động và môi trường cũng ít gây khó chịu đối với Anh hơn so với yêu cầu về trợ cấp nhà nước và do đó việc đạt được sự thống nhất trong các vấn đề này có thể dễ dàng hơn.

Thật vậy, Thủ tướng Anh gần đây tuyên bố London không có ý định giảm tiêu chuẩn trong các lĩnh vực này, miễn là EU không duy trì ảnh hưởng hiện nay lên khả năng của Anh nhằm điều chỉnh có tính cạnh tranh trong tương lai. 

Các nghĩa vụ sân chơi bình đẳng cũng cần phải được xem xét cùng với các đề xuất của EU về quản trị thỏa thuận thương mại, trong đó nêu rõ điều gì sẽ xảy ra nếu một trong hai bên phá vỡ các điều khoản của thỏa thuận trong tương lai. 

Cụ thể, bản ủy nhiệm của EU đề cập đến khả năng một trong hai bên có thể đơn phương đình chỉ các phần của thỏa thuận nếu bên kia vi phạm “các yếu tố thiết yếu”. 

Không giống như Mỹ và các quốc gia khác, EU không có truyền thống gắn các nghĩa vụ về lao động và môi trường với các trừng phạt thương mại - một tiền lệ mà giờ EU hối tiếc. 

Nhiệm vụ của Anh là tìm cách khai thác tiền lệ này một cách hợp lý và chống lại lập luận rằng phải đối xử với Anh khác - có rất nhiều tham khảo ở các hiệp định thương mại EU đạt được trước đây. Tác động của cơ chế này đối với cuộc tranh luận về sân chơi bình đẳng và thương mại phi thuế quan là rất lớn. 

Về cơ bản, điều đó có nghĩa là nếu Anh chấp nhận các nghĩa vụ sân chơi bình đẳng và sau đó bị coi là vi phạm, EU có thể trả đũa bằng cách áp thuế quan hoặc áp đặt các hạn chế về thị trường khác.

Nếu các tiêu chí để quyết định những gì bị coi là “cạnh tranh không công bằng” là khách quan và hợp lý và không liên quan đến sự phù hợp hiện này hay vai trò của ECJ, một thỏa thuận hoàn toàn có thể đạt được theo các đường hướng này. 

Trong kịch bản đó, Anh sẽ giữ được quyền kiểm soát tối thượng như mong muốn - mặc dù sự tự do đó sẽ đi kèm với một cái giá. 

Do vậy, các chuyên gia cho rằng việc đạt được một thỏa thuận là lợi ích kinh tế và địa chính trị của cả hai bên. Có thể xuất hiện muộn và không hoàn hảo, nhưng một thỏa thuận là có thể sẽ đạt được.

Hải Hà (tổng hợp)
.
.
.