Kinh tế Mỹ giảm sâu chưa từng có trong quý hai vì COVID-19

Thứ Năm, 30/07/2020, 20:27
Theo dữ liệu hàng tuần của Bộ Lao động Mỹ, hơn 1,43 triệu người đã nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tiên vào tuần trước. Kỷ lục trước đó được ghi nhận vào năm 1982, khi số người nộp đơn xin trợ cấp hàng tuần đạt 695.000.
Ngày càng có nhiều người Mỹ mất việc vì dịch COVID-19. Ảnh minh họa Getty Images. 

Theo dữ liệu từ Cục phân tích kinh tế Mỹ, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý hai giảm ở mức 32,9% lãi suất hàng năm, mức thấp nhất kể từ khi chính phủ Mỹ bắt đầu lưu giữ hồ sơ năm 1947.

Con số này hoàn toàn trái ngược với sự tăng trưởng mạnh mẽ trước khi chính phủ buộc phải “hy sinh” phát triển kinh tế để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19. Tăng trưởng GDP hàng năm trung bình ở mức khoảng 2%, tuy nhiên, việc đóng cửa hàng loạt các doanh nghiệp, cửa hàng và nhà hàng đã kìm hãm chi tiêu của người tiêu dùng, chiếm gần 70% nền kinh tế Mỹ.

Mặc dù hoạt động kinh tế đã hồi phục vào tháng 5, nhưng sự gia tăng các trường hợp nhiễm bệnh ở các bang miền Nam đã dẫn đến việc đóng cửa doanh nghiệp thêm một lần nữa, khiến nhiều người Mỹ mất việc làm.

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang, Jerome Powell, đã nhiều lần cảnh báo về sự phục hồi kinh tế chậm nếu hàng triệu công nhân không thể quay lại với công việc, cũng như cần thiết phải đào tạo lại hoặc học các kỹ năng mới.

Hàng triệu người Mỹ đang vật lộn để kiếm miếng ăn. Theo khảo sát hộ gia đình hàng tuần của Cục điều tra dân số, công bố hôm 28/7, khoảng 24 triệu người Mỹ cho biết họ “đôi khi không đủ ăn”, còn 5,4 triệu người khác chia sẻ rằng họ “thường không đủ ăn”.

Hơn nữa, với việc đạo luật CARES sẽ hết hạn vào cuối tháng này, nhiều người thất nghiệp tại Mỹ sẽ mất đi khoản tiền trợ cấp 600 USD mỗi tháng. Đối với nhiều gia đình, đây là một khoản tiền cứu cánh, từ thức ăn, nhà ở và thậm chí là thuốc men lúc đau ốm. Quốc hội Mỹ vẫn chưa thống nhất việc gia hạn đạo luật này hay không.

Trong khi các cuộc tranh luận vẫn tiếp diễn ở Washington, hạn nộp tiền nhà sẽ đến vào cuối tuần này, và  theo dự báo vào cuối năm nay, 29 triệu người Mỹ có thể phải đối mặt với việc “đuổi ra khỏi nhà”.

Duy Tiến
.
.
.