Số người thiệt mạng trong vụ đánh bom ở Somali tăng lên 90

Chủ Nhật, 29/12/2019, 13:06

Ít nhất 90 người đã thiệt mạng trong vụ đánh bom xe tại một trạm kiếm soát đông đúc ở thủ đô Mogadishu của Somali ngày 28-12.

Ngày 28-12 là thứ Bảy, vẫn là một ngày làm việc tại nhiều nước Hồi giáo, đồng thời, vụ nổ xảy ra trong giờ cao điểm buổi sáng. Lực lượng cứu hộ đã đưa nhiều thi thể ra khỏi những đống đổ nát còn đang dính đầy máu.

Theo báo cáo của một tổ chức nhân đạo quốc tế, số người thiệt mạng đã lên đến hơn 90, trong đó có cả các sinh viên đại học và cả 17 cảnh sát. Một thành viên Quốc hội Somali cũng khẳng định thông tin này trên Twitter.

Một số nhân chứng cho biết có một nhóm các kỹ sư của Thổ Nhĩ Kỳ, đang xây dựng con đường đi vào thành phố, vào thời điểm xảy ra vụ nổ. Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ chưa đưa ra xác nhận hay bình luận.

Nhân viên cứu hộ và y tế tại hiện trường. 

Thổ Nhĩ Kỳ là nước tài trợ lớn tại Somalia kể từ nạn đói năm 2011 cùng với chính phủ Qatar. Thổ Nhĩ Kỳ cũng xây dựng một căn cứ quân sự ở Mogadishu năm 2017 để huấn luyện cho binh sĩ Somalia.

Giống như nhiều trạm kiểm soát khác trong thành phố bị tàn phá bởi nhiều năm xung đột này, giao thông thường tắc nghẽn tại khu vực Ex-Control Junction, nơi mà các lực lượng an ninh có vũ trang kiểm tra các phương tiện để phát hiện chất nổ và vũ khí. Ngoài ra, còn có một điểm thu thuế của chính phủ tại khu vực này.

Đến nay vẫn chưa có nhóm nào đứng ra nhận trách nhiệm về vụ tấn công, tuy nhiên, thị trưởng thành phố cho rằng nhóm al Shabaab có liên kết với al Qaeda đứng đằng sau vụ việc. Nhóm này thường xuyên tiến hành các vụ tấn công trong nỗ lực làm suy yếu chính phủ, được hậu thuẫn bởi lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc và Liên minh châu Phi.

Vụ tấn công đẫm máu nhất được cho là do al Shabaab tiến hành là vào năm 2017 khi một chiếc xe bom phát nổ bên cạnh một tàu chở nhiên liệu ở Mogadishu, tạo ra một quả cầu lửa khiến gần 600 người thiệt mạng.

Dù nhóm này thường tiến hành các vụ tấn công, số người thiệt mạng trong các vụ này thấp hơn nhiều so với vụ ngày 28-12. Nhóm này cũng đôi khi nhận trách nhiệm về các vụ tấn công gây ra phản ứng dữ dội từ công chúng, ví dụ như vụ đánh bom tự sát năm 2009 nhằm vào một buổi lễ tốt nghiệp của sinh viên y khoa.

Một số vụ tấn công trong năm qua, bao gồm vụ diễn ra hồi tháng 9 nhằm vào căn cứ có lực lượng đặc biệt của Mỹ đang huấn luyện cho các chỉ huy của Somalia, cho thấy nhóm này duy trì mạng lưới tình báo mạnh mẽ và có thể thực hiện các hoạt động giết chóc và đôi khi là cả những hoạt động rất tinh vi.

Vụ việc diễn ra vào giờ cao điểm buổi sáng khiến số thương vong cao. 

Somalia rơi vào tình trạng xung đột từ năm 1991, khi các lãnh đạo bang hội lật đổ chế độ độc tài Siad Barre và sau đó quay lưng lại với nhau.

Al Shabaab phát triển từ một phong trào chính trị sử dụng các tòa án Hồi giáo để áp đặt trật tự mới tại nước này. Lực lượng của Ethiopia do Mỹ hậu thuẫn đã đánh bại Liên minh Tòa án Hồi giáo từ năm 2006, nhưng phái trẻ tuổi của phong trào này đã tách ra và phát động nổi dậy. Al Shabaab đã cam kết trung thành với al Qaeda từ năm 2012.

Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên minh châu Phi, có mặt tại Somalia từ năm 2007, đã rút dần số quân trong những năm qua. Các lực lượng của Somalia dự kiến sẽ nhận trách nhiệm về an ninh vào năm tới, mặc dù chưa xác định được ngày mà lực lượng gìn giữ hòa bình rút khỏi nước này.

Ảnh: Reuters. 

Duy Tiến
.
.
.