Khi châu Âu đối đầu với dịch COVID-19

Thứ Sáu, 20/03/2020, 08:17
Dòng xe tải xếp hàng dài tới 40km xuất hiện tại biên giới Đức và Ba Lan là hệ quả nhãn tiền mà các biện pháp phong tỏa, đóng cửa biên giới được các nước châu Âu đưa ra để ngăn COVID-19 lan rộng. Giờ đây, Liên minh châu Âu (EU) không còn sự lựa chọn nào khác, khi mà số ca tử vong vì COVID-19 tại châu Âu, lần đầu tiên, đã cao hơn châu Á.


Vấn đề sống còn

“Chúng ta chưa từng trải qua bất kỳ điều gì tương tự như thế này”, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez đã phải thốt lên khi nói đến COVID-19. “Xã hội của chúng ta, vốn đã từng quen với những thay đổi giúp chúng ta mở rộng tri thức, nâng cao sức khỏe và cuộc sống, giờ đang phải tự mình đấu tranh để bảo vệ tất cả những gì chúng ta cho là hiển nhiên”, ông đau xót nói. 

Tây Ban Nha đang là ổ dịch COVID-19 lớn thứ 2 châu Âu, sau Italia, với 638 người tử vong và 14.769 trường hợp nhiễm COVID-19 tính đến hết ngày 18/3. 

Cách đó hơn 1.600 km, từ Đức, Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm 18/3 (giờ địa phương) cũng phát đi thông điệp toàn quốc lần đầu tiên. Bà gọi khủng hoảng do dịch COVID-19 gây ra là “thách thức lớn nhất” đối với nước Đức kể từ Chiến tranh Thế giới II. 

Theo Thủ tướng Đức, chưa khi nào, việc duy trì khoảng cách với nhau và tạm đóng cửa nhịp sống thường nhật lại trở thành “vấn đề sống còn” của nước Đức, và của cả EU.

Đường phố châu Âu vắng ngắt kể từ khi dịch COVID-19 tràn đến. Ảnh: BI

Sự lo ngại của Thủ tướng Đức hoàn toàn có căn cứ. Sau khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hôm 13/3 tuyên bố châu Âu là tâm dịch toàn cầu, lục địa già liên tục đối diện với những đợt sóng dữ từ COVID-19. Italia vừa trải qua ngày 18/3 chết chóc, với gần 3.000 người tử vong và 35.713 ca nhiễm. Đã có tới 475 bệnh nhân Italia tử vong vì viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) do virus SARS-CoV-2 chỉ trong vòng 24 giờ qua, con số cao bất thường khiến châu Âu bừng tỉnh. 

Còn tại Pháp, số người tử vong cũng tăng gấp đôi trong một ngày, nâng tổng số ca tử vong vì COVID-19 tại nước này lên 264 bệnh nhân. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong vòng 1 tuần qua đã đưa ra hai bài phát biểu liên tiếp về tình hình dịch bệnh, theo đó nhận định nước Pháp “đang trong tình trạng chiến tranh”.

Khủng hoảng chưa từng có

Đầu bếp người Ireland Cuan Greene vừa mỉm cười khi thấy bài viết trên tờ Observer nói rằng món ăn của anh khiến khách hàng “cuồng nhiệt”, thì vài tiếng sau, anh bị thôi việc. Lỗi không phải do Greene chưa đủ giỏi, mà do COVID-19 đã cướp đi công việc của anh, giống như cách dịch bệnh này đã cướp đi việc làm của hàng trăm nghìn công dân EU khác. 

Thủ tướng Ireland Leo Varadkar ước tính trên 100.000 người, tương đương gần 5% lực lượng lao động nước này, có thể mất việc trong vòng hai tuần tới. 

Tại Đức, nơi tình trạng thất nghiệp mới vừa đạt mức thấp nhất trong lịch sử, các công ty đang chịu sức ép từ chính quyền địa phương, yêu cầu viện trợ nhà nước để tài trợ tài chính cho các công việc ngắn hạn. 

Tại Bỉ, khoảng 30.000 công ty đã nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp tạm thời cho gần 300.000 công nhân, một phát ngôn viên chính phủ cho biết. Nhà nước sẽ trả 70% lương cho công nhân nếu họ được công nhận thất nghiệp.

Với phần lớn lãnh thổ châu Âu đang bị phong tỏa trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát, hoạt động kinh tế đã đi vào bế tắc và thị trường rơi vào tình trạng khó khăn, báo trước một cuộc suy thoái sâu sắc có thể tương đương với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, và đặt ra câu hỏi về nỗ lực chung của EU giữa đại dịch. 

Ngày 18/3, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đã thừa nhận rằng giới chức châu Âu ban đầu đã đánh giá sai mức độ nguy hiểm của virus SARS-CoV-2. Còn giới quan sát nhận định, chưa đầy 2 tháng từ ngày đặt chân tới châu Âu, nhưng COVID-19 đã khiến lục địa già lao đao, cả về y tế lẫn kinh tế. Thất nghiệp và phá sản có nguy cơ bùng nổ ngay trong lòng mái nhà chung EU, Reuters nhận định.

Những giải pháp cấp thiết

Ngày 18/3, lãnh đạo các nước thành viên EU nhất trí đóng cửa biên giới toàn khối trong 30 ngày nhằm ngăn chặn sự lan rộng của COVID-19, sau khi nhiều nước thành viên tự động đóng cửa biên giới. Hành trình “không biên giới” của mái nhà chung EU buộc phải gián đoạn, nhường chỗ cho một hành trình khác khó khăn hơn. 

“Kẻ thù là COVID-19 và chúng ta phải làm hết sức để bảo vệ người dân cũng như nền kinh tế. Chúng tôi sẵn sàng làm mọi điều cần thiết và không ngần ngại áp dụng các biện pháp bổ sung nếu tình hình thay đổi”, Chủ tịch EC khẳng định. 

Nhưng, các chuyên gia cho rằng, các nước châu Âu đã hình thành thói quen phụ thuộc và thông thương chặt chẽ với nhau từ cung cấp cho tới sản xuất, vì thế việc phong tỏa biên giới có thể nhanh chóng khiến châu Âu hứng chịu một thảm họa khác sau COVID-19. Do đó, chiến lược hỗ trợ nội khối sẽ tiếp tục là bài toán mà EU phải giải đáp trong đại dịch này. 

“Công dân EU đang bị mắc kẹt trong chính châu Âu và điều này phải chấm dứt”, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen nhấn mạnh. “Chúng ta cần tiếp tục vận chuyển hàng hóa thông suốt xuyên biên giới, đặc biệt là vật tư y tế”, bà nói.

Trong diễn biến mới nhất, Hội đồng quản trị Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có trụ sở tại Frankfurt (Đức) đã họp bất thường tối 18/3 (giờ địa phương), theo đó nhất trí tung ra chương trình khẩn cấp thu mua trái phiếu trị giá lên tới 750 tỷ euro đến hết năm 2020. Các nước EU cũng đã tự động tung ra các gói cứu trợ doanh nghiệp với tổng số hơn 1.500 tỷ USD. 

Các nhà kinh tế học cho biết hành động quyết đoán nhằm hỗ trợ doanh nghiệp có thể hạn chế đáng kể tác động từ các lệnh phong tỏa. Dù vậy, các biện pháp này cần thực hiện nhanh chóng để đảm bảo phục hồi kinh tế nội khối ngay khi dịch bệnh kết thúc.

An Nhiên
.
.
.