Italia bỏ ngỏ khả năng nới lỏng phong tỏa
- Italia trong cuộc chiến kép
- Tổng thống Mỹ điều quân hỗ trợ Italia chống COVID-19
- Mafia Italia đang "lợi dụng" đại dịch COVID-19 như thế nào?
Lệnh phong tỏa toàn quốc tại Italia, vốn được áp dụng từ ngày 9/3 vừa qua, đã đóng băng hầu hết các doanh nghiệp cũng như hoạt động kinh doanh tại nước này, buộc người dân không được ra khỏi nhà trừ các nhu cầu thiết yếu, gây áp lực lớn lên nền kinh tế lớn thứ 3 của khu vực đồng tiền chung châu Âu.
"Tôi ước tôi có thể nói rằng: 'Hãy mở cửa trở lại mọi thứ. Ngay lập tức. Chúng ta sẽ bắt đầu vào sáng mai'. Nhưng đó sẽ là một quyết định vô trách nhiệm. Nó sẽ khiến đường cong dịch bệnh đi lên một cách mất kiểm soát, vô hiệu hóa toàn bộ nỗ lực chúng ta đã làm cho đến hôm nay", Thủ tướng Italia Giuseppe Conte ngày 21/4 chia sẻ.
Những con phố không một bóng người kể từ sau khi lệnh phong tỏa được áp dụng tại Italia. Ảnh: G.Catania |
"Vì thế, chúng ta phải hành động trên cơ sở một kế hoạch mở cửa trở lại trên toàn quốc, tuy nhiên vẫn sẽ tính đến đặc thù lãnh thổ", ông nhấn mạnh. Theo đó, chính phủ dự kiến sẽ bắt đầu các biện pháp nới lỏng phong tỏa từ ngày 4/5 tới.
Sau khi chính phủ Italia yêu cầu đóng cửa các doanh nghiệp không được coi là thiết yếu đối với chuỗi cung ứng kể từ ngày 22/3, nhiều tổ chức xã hội và doanh nghiệp nước này đã lên tiếng đề nghị được mở cửa hoạt động trở lại để tránh thảm họa kinh tế có thể xảy ra.
Nhưng theo ông Conte, các biện pháp nới lỏng hạn chế sẽ được thực hiện dựa trên những cơ sở nghiên cứu kỹ lưỡng và dữ liệu khoa học "để không chỉ thỏa mãn một phần dư luận, hay không chỉ đáp ứng yêu cầu của một số loại hình sản xuất, công ty riêng lẻ hoặc một khu vực nào cụ thể".
Theo Thủ tướng Italia, mọi kế hoạch nới lỏng đòi hỏi tất cả các bên tham gia, từ doanh nghiệp tới người dân, đặc biệt phải đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn cần thiết. Việc mở cửa doanh nghiệp cũng cần tính đến sự ảnh hưởng với giao thông công cộng, nhất là trong giờ cao điểm.
Tính đến ngày 21/4, Italia ghi nhận hơn 181.000 trường hợp nhiễm COVID-19 và hơn 24.000 trường hợp tử vong vì đại dịch này. Hiện, nước này vẫn đang là ổ dịch COVID-19 lớn thứ 2 tại châu Âu và là quốc gia có số ca tử vong cao nhất tại lục địa già.
Trước đó, hôm 20/4, Chính phủ Italia đã quyết định lùi thời gian tổ chức các cuộc bầu cử vùng dự kiến vào tháng 5 tới ít nhất là tháng 9 do đại dịch COVID-19..
Italia không phải quốc gia châu Âu đầu tiên suy nghĩ tới việc nới lỏng phong tỏa sau nhiều tuần kiểm soát nghiêm ngặt. Đức, Cộng hòa Czech, Áo và Đan Mạch là những quốc gia đi đầu trong việc nới lỏng phong tỏa, cứu vãn nền kinh tế. Song, với tình hình ca nhiễm vẫn ở mức cao, Italia vẫn cần cẩn trọng.