Thủ tướng Iraq: Không cần sự hiện diện của quân đội nước ngoài

Chủ Nhật, 25/07/2021, 18:20
Thủ tướng Iraq cho biết nước này sẽ không yêu cầu lính Mỹ chiến đấu chống tổ chức khủng bố IS, tuy nhiên, thời gian của việc tái triển khai quân sẽ dựa vào kết quả đàm phán với các quan chức Mỹ trong tuần này.
Ảnh minh họa Reuters. 

Thủ tướng Iraq Mustafa al-Kadhimi cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng Iraq vẫn sẽ yêu cầu Mỹ đào tạo và thu thập thông tin tình báo quân sự, tuy nhiên, nước này sẽ hướng đến đưa ra một thời điểm nhất định cho việc rút quân, vốn được công bố hồi tháng 4 khi Washington và Baghdad đang trong quá trình đàm phán.

“Không cần bất kỳ lực lượng tác chiến nước ngoài nào trên đất Iraq”, ông al-Kadhimi cho biết trong cuộc phỏng vấn, trước thềm chuyến thăm dự kiến đến Washington, nơi ông sẽ có cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Joe Biden vào ngày 26/7 trong vòng đàm phán chiến lược thứ 4.

“Cuộc chiến chống IS và sự sẵn sàng của các lực lượng của chúng tôi đòi hỏi một thời gian biểu đặc biệt, và điều này phụ thuộc vào các cuộc đàm phán mà chúng tôi sẽ tiến hành ở Washington”, thủ tướng Iraq nói thêm.

Ông Al-Kadhimi sẽ có chuyến thăm đến thăm Nhà Trắng trong bối cảnh áp lực ngày càng tăng, đặc biệt là từ các nhóm chính trị Shia, khiến vai trò của Mỹ tại nước này bị giảm sút.

Sự phản đối các lực lượng nước ngoài tại Iraq được châm ngòi bởi cuộc tấn công bằng máy bay không người lái do Mỹ chỉ đạo giết chết tướng Iran Qassem Soleimani và chỉ huy dân quân Iraq Abu Mahdi al-Muhandis trên đất Iraq năm ngoái.

Các cuộc tấn công ngày càng gia tăng của lực lượng dân quân liên kết với Iran ở Iraq vào các cơ sở của Mỹ dường như làm lộ rõ hơn khả năng kiểm soát hạn chế của Thủ tướng al-Kadhimi đối với các tổ chức quyền lực ở Iraq.

Trong khi đó, mối đe dọa về sự trỗi dậy của IS vẫn luôn hiện hữu ở Iraq, với việc Thủ tướng al-Kadhimi thận trọng nhấn mạnh rằng Baghdad không tìm kiếm một cuộc rút quân hoàn toàn.

Quân đội Mỹ hiện diện ở mức khoảng 2.500 binh sĩ kể từ cuối năm ngoái khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ra lệnh cắt giảm quân từ con số 3.000.

Trước đó, cựu Tổng thống Barrack Obama đã rút các lực lượng Mỹ khỏi Iraq vào năm 2011, tạo ra một khoảng trống an ninh và điều này có lợi cho sự trỗi dậy của IS. Quân đội Mỹ đã được tái triển khai vào năm 2014.

Hiện vẫn chưa rõ chính xác cách Washington và Baghdad xác định quân tham chiến và số lượng quân thực sự sẽ được tái triển khai theo kế hoạch.

Các quan chức Mỹ và liên quân khẳng định rằng quân đội Mỹ không còn đồng hành cùng lực lượng Iraq trong các nhiệm vụ trên bộ và hỗ trợ của liên quân chỉ giới hạn trong việc thu thập và giám sát thông tin tình báo cũng như triển khai các công nghệ quân sự tiên tiến.

Duy Tiến (Theo Al Jazeera)
.
.
.