Iraq đau đầu trước nguy cơ người Kurd ly khai

Thứ Bảy, 30/09/2017, 08:52
Ngày 28-9, Cao ủy Bầu cử và Trưng cầu dân ý của chính quyền tự xưng khu vực người Kurd, Iraq đã công bố kết quả của cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức hôm 25-9 bất chấp sự phản đối và cảnh báo của các nước trong khu vực, với khoảng 92% cử tri người Kurd ủng hộ việc ly khai khỏi Iraq.


Cuộc trưng cầu dân ý, được tiến hành theo sáng kiến của nhà lãnh đạo khu vực người Kurd, Massud Barzani, được tổ chức trên phạm vi ba tỉnh miền Bắc của khu tự trị người Kurd ở Iraq, bao gồm Arbil, Sulaimaniyah và Dohuk, cũng như các khu vực biên giới có tranh chấp, như tỉnh Kirkuk giàu tài nguyên dầu khí. 

Đối với cộng đồng người Kurd mà nói, đây thực sự là một cơ hội để thể hiện quyết tâm dứt điểm tách ra khỏi Iraq khi cuộc chiến chống lại chủ nghĩa khủng bố, đặc biệt là tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng dường như đang chiếm trọn thời gian và tiềm lực của cả Iraq lẫn Syria.

Tuy nhiên, từ giai đoạn nhen nhóm ý tưởng cho đến khi kết quả được công bố, cuộc trưng cầu ý dân này khiến không chỉ Iraq mà các nước láng giềng như Iran, Thổ Nhĩ Kỳ hay Syria, vốn có đông cộng đồng người Kurd sinh sống, như ngồi trên đống lửa bởi đây có thể là nguồn khởi phát trỗi dậy của tư tưởng ly khai.

Người Kurd trong cuộc trưng cầu dân ý hôm 25-9. Ảnh Reuters 

Ngày 25-9, Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi đã phát biểu trên truyền hình quốc gia với tuyên bố mãnh liệt rằng Baghdad sẽ không đàm phán với chính quyền người Kurd về cuộc trưng cầu dân ý đi trái hiến pháp này. Theo ông al-Abadi, cuộc trưng cầu dân ý là một hành động gây chia rẽ sắc tộc, có thể đưa Iraq chìm sâu hơn trong loạn lạc trong bối cảnh cuộc chiến với IS vẫn còn rất quyết liệt. Kết quả của cuộc trưng cầu dân ý được công bố như đổ thêm dầu vào lửa khi ngày 28-9, Chính phủ Iraq ra quyết định đình chỉ tất cả các chuyến bay quốc tế đến hoặc xuất phát từ thành phố Erbil, đóng cửa sân bay Sulaymaniyah từ tối 29-9.

Một số lãnh đạo của Baghdad còn cảnh báo về hành động quân sự, đặc biệt là trong vấn đề định đoạt số phận của Kirkuk.

Trong khi đó, Iran cũng đã tuyên bố đóng cửa biên giới với khu vực cộng đồng người Kurd ở miền Bắc Iraq như một động thái nhằm đáp trả lại cuộc trưng cầu dân ý. Bộ Ngoại giao Iran đã nhấn mạnh trong một tuyên bố hôm 26-9 rằng Tehran đã đóng cửa biên giới trên không và trên bộ với khu vực người Kurd, thể theo yêu cầu của chính quyền Baghdad.

Cùng chung mối quan ngại với Iraq và Iran, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim ngày 25-9 tuyên bố cuộc trưng cầu dân ý này là một mối đe dọa về an ninh đối với Thổ Nhĩ Kỳ, nhấn mạnh rằng chính quyền Ankara sẽ không chấp nhận bất kỳ thay đổi nào trong hiện trạng tại Iraq hay Syria.

Ngày 29-9, sau cuộc hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cho biết chính quyền người Kurd đã phạm phải “một sai lầm lớn khi tiến hành trưng cầu dân ý” và cần phải tiến hành nhiều biện pháp có thể để ngăn chặn “những sai lầm lớn” khác có thể sẽ xảy ra. Ông Erdogan cũng nhấn mạnh sự nhất trí của lãnh đạo Nga và Thổ Nhĩ Kỳ trong việc đảm bảo toàn vẹn lãnh thổ của Iraq và Syria.

Trước đó, ngày 27-9, Bộ Ngoại giao Nga đã kêu gọi chính quyền trung ương Iraq và chính quyền tự trị người Kurd cùng ngồi lại và sớm giải quyết những vấn đề tồn tại bằng những biện pháp hòa bình.

Trong khi đó, Israel lại hỗ trợ người Kurd rất nhiều trong quá trình thành lập nhà nước và sẵn sàng cung ứng vũ khí nếu xảy ra chiến tranh. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngày 13-9 nói rằng Israel ủng hộ việc thiết lập một nhà nước của riêng người Kurd. Israel duy trì quan hệ quân sự, tình báo và thương mại kín đáo với người Kurd từ thập niên 1960. Họ xem người Kurd là đồng minh quan trọng giúp chống lại các đối thủ trong khu vực.

Người Kurd là nhóm sắc tộc lớn ở Trung Đông, theo ước tính, khoảng 35-45 triệu người Kurd đang sinh sống ở nhiều nơi trên thế giới, nhiều nhất là ở Iraq, một số nhỏ khác ở Thổ Nhĩ Kỳ, Syra và Iran. Ước mơ về một đất nước độc lập của riêng người Kurd không phải bây giờ mới có khi trong thế kỷ 20 từng nổ ra bảy cuộc khởi nghĩa giành độc lập của người Kurd.

Đáng kể nhất là sự ra đời của thực thể gọi là “Nhà nước dân chủ nhân dân Mahabad” tại khu vực người Kurd Iran vào năm 1946, cuộc khởi nghĩa của Mustafa Barzani năm 1962 để phục hồi nhà nước Mahabad tại Iraq. Hai cuộc khởi nghĩa này cũng như mọi nỗ lực độc lập khác của người Kurd đều chưa đi đến thành công do gặp phải sự phản ứng dữ dội từ các chính quyền trung ương.

Tuy vậy, nhiều ý kiến cho rằng, cuộc trưng cầu dân ý, dù kết quả thế nào cũng sẽ không giúp khu tự trị người Kurd có thể trở thành một nhà nước độc lập bởi động thái này chỉ đơn thuần mang tính thăm dò và hơn ai hết, người Kurd hiểu rằng, muốn trở thành một quốc gia độc lập thì phải có sự công nhận của quốc tế.

Đó cũng là tuyên bố của thủ lĩnh Massud Barzani, rằng cuộc trưng cầu dân ý không nhằm xác định lại đường biên giới hay tạo sự đã rồi. Thay vào đó, mục đích chính mà người Kurd muốn đạt được sau cuộc trưng cầu dân ý gây tranh cãi là nhằm tạo ưu thế, đạt được nhiều hơn những lợi ích về kinh tế, chính trị trong tham gia đàm phán với chính quyền Baghdad.

Duy Tiến (Tổng hợp)
.
.
.