Iran-Mỹ: Gập ghềnh con đường bình thường hóa quan hệ

Thứ Hai, 19/12/2016, 08:04
Việc bình thường hóa quan hệ giữa Iran-Mỹ sau khi thỏa thuận hạt nhân lịch sử được ký kết đang vấp phải một loạt trở ngại trong đó phải kể đến quyết định của chính quyền Tehran về việc kiện Washington ra Ủy ban giám sát thỏa thuận hạt nhân.

Theo tin từ hãng Reuters, hôm 17-12, trong một bức thư gửi đến Cao ủy đối ngoại và an ninh Liên minh châu Âu (EU) Federica Mogherini, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif đã đề nghị EU ủng hộ việc tổ chức một cuộc họp khẩn với một ủy ban gồm 6 quốc gia (hay còn gọi là nhóm P5+1) đã đạt đồng thuận về thỏa thuận hạt nhân năm 2015 trong đó khẳng định chấm dứt những chế tài kinh tế vốn gây khốn đốn cho Tehran. Nội dung cuộc họp này, theo tiết lộ của hãng thông tấn chính thức của Iran IRNA là để chính quyền Tehran đưa ra các khiếu nại cụ thể của mình về việc Mỹ tuyên bố triển khai một số chế tài trừng phạt và cấm vận đối với Iran.

Động thái này, theo lập luận của Tehran là đã vi phạm nghiêm trọng các nội dung trong thỏa thuận hạt nhân mà nhóm P5+1 đã ký với Iran, nới lỏng những biện pháp trừng phạt kinh tế trên diện rộng nhằm vào nước này, đổi lại việc hạn chế chương trình hạt nhân.

Có thể nói rằng, vào thời điểm hiện tại, quan hệ Mỹ-Iran vẫn là một bài toán nan giải chưa có lời đáp. Hai quốc gia này đã chính thức cắt đứt quan hệ ngoại giao trong vòng 38 năm qua. “Kế hoạch hành động toàn diện chung” (JCPOA) được ký kết bởi nhóm P5+1 và Iran là thỏa thuận chính thức đầu tiên giữa Iran-Mỹ kể từ năm 1979 nhưng trên thực tế, nó lại không làm giảm bầu không khí căng thẳng giữa hai nước.

Cụ thể, chính phủ Mỹ đã tạm ngừng các biện pháp trừng phạt Iran liên quan đến chương trình hạt nhân gây tranh cãi song lại áp đặt các lệnh trừng phạt liên quan đến những cáo buộc cho rằng Iran hỗ trợ các nhóm khủng bố tại Trung Đông, cũng như chương trình tên lửa đạn đạo của nước này.

Động thái mới nhất của Mỹ trong vấn đề này là Hạ viện rồi đến Thượng viện Mỹ đều bỏ phiếu thông qua việc gia hạn Đạo luật trừng phạt Iran (ISA) với tỷ lệ gần như tuyệt đối. Riêng Tổng thống Barack Obama thì chọn cách xử lý khá đặc biệt là không ký ban hành nhưng cũng không phủ quyết mà để cho đạo luật tự có hiệu lực mà không cần sự chấp thuận của Tổng thống.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) và Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif (phải) tại cuộc gặp ở Manhattan, New York hồi tháng 4. Ảnh: Reuters.

Giới quan sát nhận định, đây là cách mà ông Barack Obama “đẩy quả bóng về chân Tổng thống đắc cử Donald Trump”. Nhưng có điều là ông Donald Trump lại là người không thích thỏa thuận hạt nhân giữa nhóm P5+1 với Iran và từng nhiều lần tuyên bố không “nhân nhượng” trong vấn đề này.

Phản ứng trước những sự kiện này, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cho rằng, hành động của Mỹ sẽ chỉ làm tổn hại thêm uy tín của nước này trên trường quốc tế và rằng Tehran sẽ có động thái đáp trả thích hợp. Đồng thời, Iran cũng thúc giục các chính phủ khác không nên vi phạm thỏa thuận mà phải “có nghĩa vụ thực thi toàn diện”.

Còn Tổng thống Iran Hassan Rouhani thì tuyên bố, việc Quốc hội Mỹ gia hạn ISA thêm 10 năm chứng tỏ “Washington vẫn là kẻ thù của Tehran”. Ông Hassan Rouhani cũng nhấn mạnh, quan hệ Washington-Tehran chỉ có thể trở nên tốt hơn nếu Mỹ xin lỗi về những hành động trong quá khứ. Iran và Mỹ cắt đứt quan hệ ngoại giao chỉ một thời gian ngắn sau Cách mạng Hồi giáo năm 1979, khi những sinh viên có tư tưởng cực đoan chiếm đại sứ quán Mỹ tại thủ đô Tehran và bắt 52 người Mỹ làm con tin trong hơn một năm.

Mối quan hệ giữa Mỹ và Iran còn trở nên xấu đi khi cuộc chiến tranh Iraq nổ ra năm 1990 và 1991. Khi đó, Iran thường xuyên cáo buộc Mỹ và Anh âm mưu phá hoại an ninh của Iran, coi sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Iraq là mối nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia và đã từng đề nghị Mỹ rút quân khỏi Iraq. Trong khi đó, Mỹ bác bỏ các cáo buộc trên và cho rằng Iran tiếp tay cho các phần tử vũ trang người Shiite nhằm chống lại quân đội Mỹ cũng như các lực lượng ở Iraq.

Quan hệ giữa hai nước càng trở nên trầm trọng hơn trong một thập niên qua do tham vọng hạt nhân của Tehran. Kể từ sau khi JPCOA được ký kết, người ta đã dự đoán rằng quan hệ hai quốc gia này sẽ có 3 kịch bản thay đổi gồm: Giữ nguyên hiện trạng, quan hệ ngoại giao tốt hơn hoặc JPCOA sụp đổ và gia tăng căng thẳng.

Sông Thương
.
.
.