Hơn 40 triệu người nhiễm COVID-19 trên toàn cầu

Thứ Hai, 19/10/2020, 08:19
Thế giới mất hai tuần tuần để ghi nhận thêm 5 triệu ca nhiễm mới COVID-19, nâng tổng số người bệnh toàn cầu lên trên 40 triệu, tương đương quy mô dân số của Iraq.

Thống kê trên Worldometer tính đến 8h20 sáng nay (19/10, giờ Hà Nội) cho thấy số người nhiễm COVID-19 toàn cầu là 40.264.218, tức tương đương dân số ở Iraq, quốc gia thuộc nhóm đông dân ở Trung Đông, đứng thứ 36 thế giới về quy mô dân số.

Một phụ nữ Ấn Độ được lấy mẫu COVID-19. Ảnh: ITN

Số người chết vì dịch là 1.118.167 người. Tổng số người khỏi bệnh là hơn 30 triệu, tức khoảng 10 triệu người đang chung sống với các triệu chứng của đại dịch toàn cầu.

Hôm 4/10, số ca nhiễm COVID-19 trên thế giới chạm mốc 35 triệu. Như vậy, thế giới hiện chỉ cần hai tuần để báo cáo thêm 5 triệu ca bệnh mới. Các chuyên gia cảnh báo con số này sẽ không dừng lại, trong bối cảnh thế giới đang vật lộn với làn sóng dịch bệnh thứ hai, ba.

Mỹ hiện vẫn là vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận gần 8,4 triệu ca nhiễm, trong đó 224.730 người chết. Dịch bệnh tại Mỹ có dấu hiệu hạ nhiệt. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo tình hình có thể nóng trở lại nếu người dân không tuân thủ quy định giãn cách.

Sau vài ngày điều trị ở bệnh viện ,Tổng thống Trump hồi đầu tháng đã trở về Nhà Trắng và tiếp tục cuộc đua tranh cử ghế Tổng thống nhiệm kỳ tới. Những người nhiễm bệnh hiện đã xuất hiện ở cả Nhà Trắng và trong đội ngũ tranh cử của hai ứng viên đảng Dân chủ, Cộng hoà.

Ấn Độ, vùng dịch lớn thứ hai thế giới, báo cáo thêm 55.500 ca nhiễm và 578 ca tử vong mới trong ngày gần nhất, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 7,55 triệu ca và 114.642 ca. Phần lớn ca nhiễm tại Ấn Độ tập trung ở Mumbai và New Delhi.

Tình hình tại Ấn Độ đã hạ nhiệt đáng kể. Cách đây vài tuần, số ca nhiễm mới ở nước này có lúc đạt gần 100.000 ca mỗi ngày. Nhiều chuyên gia lo ngại Ấn Độ sẽ lập tức vào làn sóng dịch bệnh mới nếu không sẵn sàng các biện pháp ứng phó.

Brazil, vùng dịch lớn thứ ba thế giới, ghi nhận thêm 215 người chết vì COVID-19, con số thấp nhất nhiều ngày, nâng tổng số ca tử vong lên 153.905. Số người nhiễm virus mới trong 24h qua là gần 11.000, nâng số người nhiễm tại nước này lên hơn 5,24 triệu.

Giới chuyên gia Brazil nhận định các mô hình cho thấy nước này đã qua đỉnh dịch, nhưng vẫn cảnh báo tình hình có thể đột ngột xấu đi nếu chính quyền địa phương cho phép tái mở cửa kinh tế quá sớm, không siết chặt các biện pháp cách biệt cộng đồng.

Dịch bệnh có dấu hiệu tấn công trở lại ở nhiều khu vực, nhất là châu Âu. Nga vài ngày qua liên tiếp báo cáo số người bệnh mới tăng lên, hiện là hơn 15.000 ca mắc mới/ngày. Tổng số người nhiễm tại Nga là 1,4 triệu, trong đó 24.187 người tử vong.

Nga đã nối lại đường bay quốc tế với một số nước từ tháng trước, trong bối cảnh các nước đều cố gắng khôi phục từng bước nền kinh tế. Thị trưởng Moscow Sergei Sobyanin đề nghị người già không ra đường để ngăn nguy cơ lây bệnh.

Pháp sáng sớm 19/10 báo cáo gần 30.000 ca nhiễm mới, cao gấp 8-9 lần con số ghi nhận trong làn sóng dịch bệnh đầu tiên hồi tháng 3 và 4. Số ca nhiễm mới ở Pháp đang gia tăng rất nhanh, khiến nước này có thể sớm vượt Tây Ban Nha để trở thành vùng dịch lớn nhất khối EU. Tổng  số người bệnh ở quốc gia này là hơn 897.000 ca, trong đó 33.477 người thiệt mạng.

Anh cũng chứng kiến số ca nhiễm mới 24h qua là gần 17.000, cao hơn đáng kể con số loanh quanh 5-6.000 ca hồi tháng tư. Tổng số người nhiễm ở Anh là hơn 722.000 người, trong đó 43.646 ca tr vong.

Thế giới hiện đang nỗ lực phát triển và sản xuất vaccine ngừa COVID-19. Nga là quốc gia đầu tiên cấp phép vaccine và hiện đã có hai mẫu chuẩn bị tiêm chủng đại trà từ tháng tới. Trung Quốc cũng cho phép sử dụng vaccine trong trường hợp khẩn cấp.

Tại phương Tây, các chuyên gia quốc tế đã nhận định rằng Mỹ sẽ khó có vaccine kịp cuối năm nay. Châu Âu cũng đang trong tình cảnh tương tự, vì chưa có đủ dữ liệu kết luận tính an toàn và hiệu quả của vaccine nCoV từ các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối.

Thiện Nhân
.
.
.