Vụ máy bay Nga gặp nạn: Hiện trường 20km2 mách bảo gì về nguyên nhân tai nạn?

Thứ Ba, 03/11/2015, 08:29
Vào lúc 10h52 ngày 2/11 (giờ Việt Nam), chiếc máy bay Il-76 của Bộ Tình trạng khẩn cấp Nga đã đáp xuống sân bay Pulkovo ở thành phố St Petersburg (Nga) cùng thi thể của 144 người tử nạn trong vụ rơi máy bay Airbus A-321 của Hãng hàng không Nga Kogalymavia (Kogalymavia Airlines) tại Ai Cập hôm 31/10. 


Các chuyên gia Bộ Y tế Nga cũng đã hoàn tất mọi thủ tục liên quan tới công tác nhận dạng nạn nhân và việc này cũng được thực hiện ngay trong ngày 2/11.

Thứ trưởng thứ nhất Bộ Y tế Nga Igor Kagramanyan cho biết, tham gia công tác nhận dạng, được tiến hành ở nhà hỏa táng trên đại lộ Shafirovsky, có gần 50 bác sĩ pháp y đến từ St Petersburg và Leningrad, cùng các chuyên gia của Bộ Y tế. Các chuyên gia tâm lý cũng sẽ có mặt để hỗ trợ thân nhân các nạn nhân. Sau khi hoàn tất công tác nhận dạng sẽ tiến thành thủ tục mai táng. Cho tới nay, 187 thi thể đã được tìm thấy và đang được tiến hành thu thập các mẫu ADN.

Cùng ngày, Thị trưởng thành phố St Petersburg đã ký văn bản liên quan tới việc bồi thường cho gia đình nạn nhân và Công ty Bảo hiểm Quốc gia Ingosstrax đã bắt đầu tiếp nhận đơn của thân nhân các nạn nhân. Một bầu không khí tang thương đang bao trùm toàn bộ nước Nga trong những ngày này.

Ngày 1/11, các cơ quan Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội của Nga đều treo cờ rủ, các hoạt động vui chơi, giải trí bị hủy bỏ, nhiều chương trình giải trí trên sóng truyền hình đã bị hoãn. Riêng tại thành phố St Petersburg, chính quyền thành phố đã quyết định để tang các nạn nhân đến hết ngày 3/11, do phần lớn trong số 217 hành khách có mặt trên chuyến bay là cư dân thành phố này gồm 132 người.

Trong khi đó, tại Ai Cập, cũng trong ngày 2/11, nhân viên cứu hộ của Bộ Tình trạng khẩn cấp Nga phát hiện thêm nhiều mảnh vỡ mới của thân chiếc máy bay xấu số tại hiện trường vụ tai nạn. Theo giới chức Bộ Tình trạng khẩn cấp Nga, thêm 12 mảnh vỡ của thân chiếc máy bay xấu số A-321 đã được tìm thấy. Hiện hơn 100 nhân viên cứu hộ của Bộ Tình trạng khẩn cấp Nga, chia làm 4 đội, vẫn đang rà soát khu vực hiện trường vụ rơi máy bay ở Ai Cập trên tổng diện tích lên đến 20km².

Về phía Ai Cập, Tổng thống Abdel-Fattah al-Sisi tuyên bố, Cairo “không e ngại” trong việc hợp tác với Moskva để “khám phá sự thật” về những gì khiến chiếc máy bay của Kogalymavia Airlines gặp nạn. Tổng thống Ai Cập yêu cầu công chúng không nên vội vàng phán xét về nguyên nhân của vụ tai nạn, nói rằng cuộc điều tra cần phải được hoàn thành.

Tổng thống Ai Cập nhấn mạnh: “Trong những trường hợp như vậy, vấn đề này nên để cho các chuyên gia. Dư luận không nên có suy đoán về nguyên nhân dẫn đến thảm họa hàng không hôm 31/10 giữa lúc vụ việc còn đang trong quá trình điều tra và phân tích với các quy trình phức tạp”.

Bên cạnh đó, Ai Cập hiện đang phải cố gắng giảm tới mức thấp nhất có thể tác động tiêu cực của vụ tai nạn hàng không thảm khốc này, vốn gây ra những quan ngại về việc sụt giảm lượng khách du lịch đến thăm đất nước Kim tự tháp, nhất là tại khu vực Sharm El-Sheikh trong kỳ nghỉ Giáng sinh năm nay.
  
Chiếc máy bay chở thi thể 144 nạn nhân tại sân bay Pulkovo ở thành phố St Petersburg (Nga).

Người đứng đầu Hiệp hội các nhà đầu tư Sharm El-Sheikh Hesham Ali khẳng định vụ máy bay rơi sẽ có tác động không lớn tới kỳ nghỉ lễ Giáng sinh, bởi sau vụ tai nạn hàng không tương tự trước đó của hãng hàng không Ai Cập Flash Air hồi năm 2004 cướp đi sinh mạng của 148 hành khách và thành viên phi hành đoàn, kết quả kinh doanh của ngành công nghiệp không khói của Ai Cập chỉ bị ảnh hưởng chút ít.

Trong khi đó, Chủ tịch Liên minh Hỗ trợ du lịch ở Sharm El-Sheikh, Ahmed Ghobashi, nhấn mạnh, kết quả điều tra hộp đen của máy bay sẽ quyết định tương lai của ngành du lịch tại thành phố này bởi vì khách Nga vốn chiếm đa số du khách nước ngoài tới khu vực nghỉ mát nằm trên bờ Biển Đỏ. 

Còn ông Mohamed al-Shorbagi, Giám đốc quan hệ công chúng tại sân bay quốc tế Sharm El-Sheikh, thì cho biết, sân bay không bị ảnh hưởng bởi vụ tai nạn và nói thêm rằng, 76 chuyến bay đến và một số lượng tương tự các chuyến bay đi từ sân bay này vẫn được xử lý bình thường và đúng tiến độ.

Trong khi chưa xác định rõ nguyên nhân khiến máy bay rơi, một số hãng hàng không đã tuyên bố bay tránh qua không phận bán đảo Sinai, Ai Cập. Các Hãng hàng không Nga như Ural Airlines, Nordwind và Aeroflot đều đã thay đổi lộ trình chuyến bay từ Sharm el-Sheikh tới thủ đô Moskva. 

Trước đó, các hãng hàng không của Pháp và Anh cũng đưa ra quyết định tương tự. Nhiều hãng hàng không của các quốc gia vùng Vịnh như: Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Bahrain, Qatar, Kuwait cũng đều đã thay đổi đường bay qua bán đảo Sinai như một giải pháp an toàn.

Máy bay Nga bị nổ trên không

Giám đốc Cơ quan Vận tải Hàng không Liên bang Nga (Rosaviatsia) Alexander Neradko cho biết, chiếc máy bay Airbus mang số hiệu 7K-9268 của nước này gặp nạn tại Ai Cập đã bị “vỡ” trên không trước khi rơi xuống đất. 

Phát biểu tại một cuộc họp báo, ông Neradko chỉ ra rằng, các mảnh vỡ của máy bay đã rơi rải rác trên một khu vực có hình elip bị kéo dãn với chiều dài 8km và chiều rộng 4km. Tất cả dấu hiệu này cho thấy, chiếc máy bay xấu số đã bị vỡ ở trên không ở độ cao tương tối lớn. Bộ Các tình trạng khẩn cấp Nga cho hay, họ đã khoanh vùng hiện trường vụ tai nạn và sử dụng các máy bay không người lái để kiểm tra trong một khu vực rộng 20km². Tuy nhiên, Rosaviatsia cũng khẳng định, hiện còn quá sớm để đưa ra các kết luận về nguyên nhân gây ra vụ tai nạn khiến 224 người trên máy bay thiệt mạng.

Đồng quan điểm, Chủ tịch Ủy ban Hàng không liên bang Nga (MAK) Viktor Sorochenko cho biết, hiện “còn quá sớm để đưa ra các kết luận” về nguyên nhân của vụ tai nạn xảy ra hôm 31/10 khiến 224 người thiệt mạng. Ông cho hay: “Chúng tôi chưa thể loại trừ bất cứ nguyên nhân nào dẫn đến vụ tai nạn. Chúng tôi vẫn đang xem xét tất cả các khả năng”.

MAK là cơ quan cấp cao nhất của Nga phụ trách việc điều tra các vụ tai nạn hàng không. Ông Sorochenko hôm 31/10 được bổ nhiệm đứng đầu một ủy ban các chuyên gia điều tra vụ tai nạn tại Ai Cập. Ủy ban này gồm các chuyên gia đến từ Nga, Ai Cập, Pháp và Ireland.

Trần Linh

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.