Hệ thống cơ sở dữ liệu tích hợp của cảnh sát ASEAN
- Phối hợp đấu tranh phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia trong ASEAN
- Kỹ năng cho người dân trong cuộc chiến chống khủng bố
- Philippines gặp khó trong cuộc chiến chống khủng bố
Hợp tác là chìa khóa
Những vấn đề nói trên đã trở thành chủ đề được bàn thảo nhiều nhất tại Hội nghị Tư lệnh Cảnh sát các quốc gia ASEAN (ASEANAPOL) lần thứ 37 được tổ chức ở Singapore từ ngày 12 đến 14-9.
Phát biểu trước gần 300 đại biểu đến từ 10 quốc gia thành viên ASEAN, các nước, tổ chức quốc tế và đối tác, đối thoại, quan sát viên của ASEANAPOL, Phó Thủ tướng Singapore Teo Chee Hean cảnh báo, với sự gia tăng tội phạm xuyên quốc gia và khủng bố trong khu vực, các nước cần liên tục làm việc cùng nhau để xây dựng một ASEAN an toàn hơn.
Ông Teo Chee Hean đã nhấn mạnh đến việc sử dụng các giải pháp công nghệ và công nghệ thông tin (CNTT) để tăng cường "chia sẻ thông tin kịp thời" nhằm giải quyết ba thách thức chung mà các quốc gia ASEAN phải đối mặt gồm: đe dọa khủng bố, tội phạm mạng và ma túy.
Dẫn chứng những báo cáo của các cơ quan tình báo và an ninh các nước về hoạt động của các tổ chức, chi nhánh IS tại khu vực, Phó Thủ tướng Singapore khẳng định, mức độ đe dọa khủng bố đã đạt mức cao nhất trong những năm gần đây. Các nhóm chiến binh Hồi giáo cực đoan đang cố gắng thiết lập một vương triều tại Đông Nam Á với sự hỗ trợ của những nhóm chiến binh trở về từ Syria và Iraq...
Cảnh sát Malaysia bắt giữ kẻ tình nghi khủng bố, là thành viên của IS. Ảnh: Hakam. |
Vì thế, các quốc gia trong khu vực phải thúc đẩy sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các cơ quan thực thi pháp luật nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi thông tin tình báo và thông tin sinh trắc về những kẻ khủng bố, cực đoan.
Ông Teo Chee Hean cho biết thêm là để hỗ trợ phát triển năng lực chống tội phạm của các thành viên ASEAN, Singapore đã thông qua việc hỗ trợ các chương trình đào tạo điều tra tội phạm mạng và mới đây cũng khởi động một chương trình năng lực cạnh tranh ASEAN mới trị giá 7,5 triệu USD nhằm giúp xây dựng một không gian mạng ASEAN an toàn và linh hoạt".
Táo bạo sử dụng CNTT
Hãng tin The Strait Times cho biết, hồi tháng 5, tại cuộc họp cấp cao lần thứ 17 về phòng chống tội phạm xuyên quốc gia (SOMTC) của ASEAN, đại diện các nước cũng đã xem xét lại việc thực hiện hợp tác an ninh giữa các nước ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác đối thoại.
Tháng 8 vừa qua, ASEAN lại tiến thêm được một bước nữa khi thống nhất về việc sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội để chống lại chủ nghĩa cực đoan, bạo lực trong khu vực. Lần này, để bổ sung quan hệ hợp tác giữa các cơ quan thực thi pháp luật khu vực, ASEAN đã thống nhất thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu ASEANAPOL điện tử (e-ADS) 2.0 nhằm hỗ trợ cuộc chiến chống khủng bố và các loại tội phạm xuyên quốc gia.
Trung tướng Ari Dono Sukmanto, người đứng đầu Cơ quan điều tra hình sự thuộc Cảnh sát quốc gia Indonesia cho biết, hệ thống này được xây dựng sẽ giúp tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi thông tin tình báo một cách nhanh chóng và an toàn với độ chính xác cao, nhất là trong bối cảnh các cuộc tấn công liều chết, sự thâm nhập của chủ nghĩa cực đoan và tội phạm xuyên quốc gia đang trở thành thách thức chính cho các lực lượng thực thi pháp luật trong khu vực.
Được đưa ra lần đầu tiên vào năm 2006 dựa trên nền web, e-ADS hiện nay cần được nâng cấp để phục vụ việc chống tội phạm trong tình hình mới.
Đại diện lực lượng cảnh sát Singapore Hoong Wee Teck cho biết, phiên bản mới của e-ADS được gọi là e-ADS 2.0 bao gồm một thư viện điện tử, diễn đàn thảo luận, lịch sự kiện và cổng thông báo, cho phép kết nối nhanh hơn giữa lực lượng cảnh sát ASEAN.
Năm ngoái, tại Hội nghị ASEANAPOL lần thứ 36, đại diện các nước đã thông qua đề xuất này. Từ e-ADS, ASEANAPOL cũng sẽ kết nối mạnh mẽ hơn với INTERPOL để chống lại sự gia tăng tội phạm mạng trong khu vực ASEAN.
Chẳng hạn như trong đợt chống lại tội phạm mạng đòi tiền chuộc vừa qua, nhờ có kết nối với INTERPOL, ASEANAPOL đã xác định được 9.000 máy chủ điều khiển việc phát tán phần mềm độc hại khiến hàng trăm trang web, bao gồm các cổng thông tin của chính phủ trong khu vực bị xâm nhập.
Riêng đối với Việt Nam, việc triển khai hệ thống cơ sở dữ liệu chung của khu vực và quốc tế đã được thực hiện từ nhiều năm nay. Cơ sở dữ liệu này bao gồm thông tin về tội phạm sử dụng công nghệ cao, ảnh, vân tay và thông tin về các đối tượng truy nã quốc tế, tội phạm xuyên quốc gia; dữ liệu ôtô bị mất cắp, hộ chiếu mất cắp và hệ thống thông tin về khủng bố nhằm phục vụ cho các lực lượng trực tiếp đấu tranh phòng chống tội phạm xuyên quốc gia.
Đến nay, Văn phòng Interpol Việt Nam đã tiếp nhận dữ liệu về phương tiện giao thông bị mất cắp ở Việt Nam và cập nhật hàng ngàn hồ sơ lên hệ thống cơ sở dữ liệu ASEANAPOL (e-ADS) và thống nhất phương án cung cấp thông tin hộ chiếu bị mất, mất cắp cho INTERPOL;
triển khai thực hiện Chương trình ASEAN - EU về quản lý biên giới và xuất nhập cảnh; triển khai hệ thống I-BATCH để tiến hành rà soát, phát hiện và xử lý các đối tượng truy nã quốc tế, đối tượng sử dụng giấy tờ có giá trị xuất nhập cảnh của tổ chức Interpol, triển khai kế hoạch cập nhật thông tin vào hệ thống cơ sở dữ liệu tội phạm xuyên quốc gia của ASEANAPOL.