G7 tập trung ứng phó Trung Quốc
- Mỹ bơm thêm 200 tỷ USD cho cuộc chiến công nghệ với Trung Quốc
- Điểm nhấn của Hội nghị Thượng đỉnh G7 năm nay là gì?
- Thủ tướng Anh đề nghị G7 cam kết 1 tỷ liều vaccine COVID-19 cho thế giới
Lãnh đạo các nước G7 nhóm họp ở Anh. Ảnh: Reuters |
Hội nghị thượng đỉnh G7 diễn ra từ 11 đến 13/6 ở Anh là lần đầu tiên Tổng thống Mỹ Joe Biden gặp gỡ trực tiếp lãnh đạo các nước đồng minh gần cận kể từ khi ông nhậm chức cách đây gần nửa năm. Tại đây, lãnh đạo G7 nhiều thời gian thảo luận cách thức ứng phó tầm ảnh ngày càng tăng của Trung Quốc.
Theo CNN, một phần của cuộc cạnh tranh với Trung Quốc sẽ bao gồm sáng kiến "Tái xây dựng thế giới tốt hơn" (B3W), được một quan chức Nhà Trắng mô tả là sáng kiến xây dựng cơ sở hạ tầng toàn cầu mới với các đối tác G7, mang tính "bền vững, minh bạch và hướng tới các giá trị".
Sáng kiến này được thiết kế nhằm cạnh tranh trực tiếp với Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc và sẽ được công bố tại hội nghị G7 hôm nay (13/6). Các nước phương Tây, dẫn đầu bởi Mỹ, từ lâu chỉ trích Sáng kiến Vành đai và Con đường là kiểu "ngoại giao bẫy nợ" của Trung Quốc.
Nhà Trắng ước tính các nước đang phát triển cần ít nhất 40.000 tỷ USD cho cơ sở hạ tầng đến năm 2035. Trong khuôn khổ B3W, Mỹ sẽ cùng G7 sẽ gây quỹ hàng trăm tỷ USD để hỗ trợ hạ tầng cho các quốc gia.
Bên cạnh đó, G7 và các đồng minh cũng sẽ sử dụng sáng kiến B3W để huy động vốn từ khu vực tư nhân trong các lĩnh vực như khí hậu, y tế và an ninh sức khỏe, công nghệ kỹ thuật số cũng như công bằng và bình đẳng giới.
Reuters ngày 12/6 tiết lộ, tại hội nghị ở Anh, Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến sẽ thuyết phục các đồng minh cùng Washington thực hiện lập trường cứng rắn hơn đối với Bắc Kinh vì những hành động của họ trên Biển Đông và một số khu vực khác.
Nhà lãnh đạo Mỹ đồng thời nỗ lực tìm cách đưa nội dung chỉ trích Trung Quốc vào văn kiện chính thức của hội nghị, dù một vài quốc gia trong G7 có cách tiếp cận khác Mỹ về vấn đề Trung Quốc.
Xung quanh vấn đề xử lý đại dịch COVID-19, Reuters cho hay chính quyền ông Biden cũng đang tận dụng cơ hội gặp gỡ ở G7 để thách thức chính sách ngoại giao vaccine của Trung Quốc thông qua kế hoạch quyên góp lượng lớn vaccine COVID-19 giúp đỡ các nước. Hôm 12/6, các nhà lãnh đạo G7 đã cam kết sẽ mở rộng sản xuất, chia sẻ với thế giới ít nhất một tỉ liều vaccine qua các cơ chế hiện có và viện trợ song phương.