Quân đội tranh cãi của châu Âu đang "thành hình"

Thứ Bảy, 12/01/2019, 12:58
Đức thông báo lực lượng quân đội chung của châu Âu đang "thành hình" một cách nhanh chóng với sự hỗ trợ của Pháp, theo đúng thoả thuận được 10 nước thông qua cách đây vài tháng.

"Lực lượng quân sự chung đang dần thành hình", Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen ngày 11-1 thông báo với truyền thông về lực lượng quân sự chung của châu Âu, vốn từng gây nhiều tranh cãi khi được thông qua cách đây vài tháng, theo FoxNews.

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen thăm một cơ sở quân sự. Ảnh: Sputnik

Bà Leyen nhấn mạnh chính Đức và Pháp sẽ đóng vai trò "động lực" chính về phòng thủ châu Âu và hai nước nhất trí sát cánh cùng nhau khi đối mặt với mọi cuộc tấn công. Trong khi đó, các thành viên khác sẽ tham gia quân đội châu Âu một cách tự nguyện hoàn toàn vì lợi ích chung của khối.

"Nhiều chính sách mới được đưa ra trong những tháng qua đã đưa các lực lượng vũ trang của chúng ta lại gần nhau hơn. Chúng tôi đang làm việc khẩn trương", nữ Bộ trưởng Quốc phòng Đức nói thêm.

Liên minh quân sự chung của châu Âu lần đầu ra mắt hôm 7-11-2018 với sự hưởng ứng của 10 nước, gồm Đức, Pháp, Bỉ, Anh, Đan Mạch, Estonia, Hà Lan, Phần Lan, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.

Trong khuôn khổ liên minh này, các thành viên sẽ tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực quy hoạch, phân tích khủng hoảng quân sự và nhân đạo mới, đưa ra các kế hoạch quân sự để giải quyết khủng hoảng ở châu lục.

Việc thành lập một quân đội riêng của châu Âu là mơ ước lâu nay của cả Đức và Pháp. Tổng thống Pháp Macron từng nói rằng châu Âu cần có một quân đội riêng, đặc biệt trong bối cảnh Mỹ đã tuyên bố sẽ rút khỏi Hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân tầm trung (INF) được ký kết thời Chiến tranh Lạnh.

Tuy nhiên, Mỹ và một số quốc gia châu Âu phản đối việc thành lập lực lượng này bởi họ cho rằng khối quân sự NATO đang làm tốt vai trò là cầu nối phòng thủ chung.

T. Minh
.
.
.