Dư luận quốc tế tin tưởng vào triển vọng Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2

Thứ Bảy, 09/02/2019, 07:19
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ mới đây đã lên tiếng bày tỏ sự lạc quan về việc Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 dự kiến diễn ra vào cuối tháng 2 tại Việt Nam. 


Với tuyên bố tích cực từ phía Nhà Trắng, giới chuyên gia cùng dư luận quốc tế tin tưởng cuộc gặp này sẽ đạt được nhiều kết quả nổi bật và thực chất, hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên.

Vượt ra khỏi xung đột và chia rẽ

"Vượt ra khỏi xung đột và chia rẽ" là những gì mà Phát Ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Robert Palladino miêu tả về tương lai của mối quan hệ giữa Washington và Bình Nhưỡng, sau khi Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ 2 diễn ra vào ngày 27 và 28-2.

Tuyên bố nêu trên được ông Robert Palladin phát biểu vào ngày 8-2 (giờ Việt Nam), trong một buổi họp báo đặc biệt về cuộc gặp này. Theo tờ Straits Times, ông Robert Palladin cũng đề cao vai trò của Việt Nam, quốc gia đăng cai cuộc gặp Thượng đỉnh lần thứ 2 giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Nhà Lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ tiến hành cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 vào ngày 27 và 28-2, tại Việt Nam.  Nguồn: ST File.

"Lựa chọn Việt Nam là địa điểm tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 cho thấy triển vọng vượt ra khỏi xung đột và chia rẽ, hướng tới mối quan hệ hợp tác thịnh vượng", ông Robert Palladin nói. Để chứng minh cho quan điểm trên, Phát Ngôn viên Palladino viện dẫn mối quan hệ "lịch sử" giữa Việt Nam và Mỹ.

Ông cho biết, trong quá khứ, hai bên đã từng xảy ra xung đột và chia rẽ. Tuy nhiên, Hà Nội và Washington hiện đang cùng tận hưởng thành quả của ngày hôm nay, nhờ những nỗ lực hợp tác phát triển dựa trên lợi ích cốt lõi là hòa bình và thịnh vượng.

Ông Robert Palladino cho biết thêm, Đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun, người vẫn luôn khẳng định rằng Mỹ rất sáng suốt về những cơ hội đàm phán thành công với Triều Tiên, đã tới thăm Bình Nhưỡng để chuẩn bị cho cuộc gặp Thượng đỉnh.

Chuyến thăm này nhằm tìm kiếm sự tiến bộ hơn nữa đối với các cam kết đã được đưa ra trong cuộc gặp đầu tiên giữa ông Donald Trump và ông Kim Jong-un tại Singapore hồi tháng 6-2018.

Cụ thể, đó chính là cam kết về việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn, chuyển đổi mối quan hệ Mỹ-Triều và xây dựng cơ chế hòa bình lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, ông Palladino tái khẳng định, mọi sự giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt sẽ phụ thuộc vào tiến trình phi hạt nhân hóa của Bình Nhưỡng.

"Việt Nam là địa điểm lý tưởng"

Trước những tuyên bố chính thức mà Nhà Trắng đưa ra, các chuyên gia phân tích chính trị thế giới và truyền thông quốc tế đều cho rằng, việc lựa chọn Việt Nam trở thành nơi đăng cai hội nghị chứa đựng "hy vọng to lớn" của cả Washington và Bình Nhưỡng.

Tờ Japan Times dẫn lại nhận định của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nêu rõ, Triều Tiên hoàn toàn có thể tham khảo hình mẫu về cả chính trị và kinh tế của Việt Nam, một quốc gia từng là "cựu thù" với Mỹ. Ông Pompeo nói: “Các nhà lãnh đạo Việt Nam nhận thấy đất nước của họ có thể cải cách, mở cửa và xây dựng mối quan hệ với bên ngoài mà không làm ảnh hưởng đến chủ quyền, nền độc lập của quốc gia. Tôi có một thông điệp cho nhà lãnh đạo Kim Jong-un: Tổng thống Trump tin rằng Triều Tiên có thể theo con đường này”.

Theo ABC News, Washington nhìn nhận mối quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên có thể được cải thiện theo chiều hướng tích cực như giữa Mỹ và Việt Nam. Kể từ khi bình thường quan hệ vào năm 1995, quan hệ kinh tế và thương mại giữa Hà Nội và Washington đã và đang phát triển rất mạnh mẽ.

Số liệu của Bộ ngoại giao Mỹ cho biết, kim ngạch thương mại giữa Mỹ và Việt Nam tăng từ 451 triệu USD năm 1995 lên đến 52 tỷ USD năm 2016, và Việt Nam trở thành một trong những thị trường xuất khẩu tăng trưởng nhanh nhất của Mỹ. Đây là ví dụ điển hình về cải cách kinh tế và bình thường hóa quan hệ với Mỹ sau chiến tranh.

Đồng tình với quan điểm này, ông Mintaro Oba, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ phụ trách Triều Tiên cho biết: "Việt Nam là sự lựa chọn logic, khả thi về mặt ngoại giao và mang ý nghĩa biểu tượng lớn. Xét về mặt địa lý hay cơ sở hạ tầng thì Việt Nam đều đủ tiêu chuẩn để có thể hỗ trợ hết mình cho Thượng đỉnh Mỹ - Triều".

Cụ thể, Việt Nam có kinh nghiệm trong việc tổ chức các sự kiện quốc tế, trong đó phải kể đến Hội nghị Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) năm 2017 tại Đà Nẵng và Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) về ASEAN tại Hà Nội năm 2018. Tờ Diplomat cho biết, tính tới thời điểm hiện tại thì tình hình bán đảo Triều Tiên đã hạ nhiệt kể từ cuộc gặp Thượng đỉnh lần thứ nhất tại Singapore.

Tuy nhiên, hai nước không đạt được tiến bộ đáng kể trong đàm phán phi hạt nhân hóa, do bất đồng trong cách hiểu về khái niệm này. Do đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump mong đợi cuộc gặp Thượng đỉnh lần hai tại Việt Nam sẽ giúp hai bên xóa bỏ các bất đồng và đạt được bước tiến thực chất. Trước đó, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cũng bày tỏ hy vọng, Việt Nam sẽ là nơi tuyệt vời để Mỹ và Triều Tiên làm nên “lịch sử mới”.

Trong một diễn biến có liên quan, Yonhap dẫn nguồn tin từ các quan chức Chính phủ Hàn Quốc cho biết, Washington và Seoul đã quyết định hoãn việc công bố kế hoạch tập trận quân sự chung vào mùa xuân để tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuẩn bị Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – Triều lần 2.

Hơn nữa, nếu hội nghị lần này đạt được kết quả ngoài mong đợi thì nhiều khả năng kế hoạch tập trận sẽ bị thay đổi, hoặc bị tiếp tục hoãn lại, hoặc có thể bị hủy bỏ hoàn toàn.

Linh Đan
.
.
.