Donald Trump và bài toán “đoàn kết nước Mỹ”

Thứ Năm, 17/11/2016, 06:56
Quyết định lựa chọn ông Steven Bannon – người phụ trách chiến dịch truyền thông trong quá trình tranh cử - làm người đứng đầu bộ phận chiến lược và cố vấn cấp cao của ông Donald Trump đang vấp phải sự phản đối gay gắt của các Thượng nghị sĩ Dân chủ.

Chỉ một ngày sau khi quyết định này được công bố, hôm 15-11, phe Dân chủ đã yêu cầu ông Trump hủy bỏ lựa chọn này nếu Tổng thống đắc cử Mỹ thực sự muốn đoàn kết nước Mỹ.

Các Thượng nghị sĩ Dân chủ và các nhóm chính trị cánh tả tại Mỹ cho rằng, Stephen Bannon là người có khuynh hướng phân biệt chủng tộc và phân biệt giới. Một ngày sau khi công bố lựa chọn Stephen Bannon, các Thượng nghị sĩ Dân chủ đã kêu gọi Tổng thống đắc cử rút lại quyết định này. 

Thượng nghị sĩ Dân chủ của Michigan, Debbie Stabenow nói: “Chúng tôi kêu gọi ông Trump loại bỏ tư tưởng phân biệt chủng tộc khỏi chính quyền của mình. Đặc biệt, việc ông Trump chỉ định Stephen Bannon là một thông điệp hoàn toàn sai lầm gửi tới người dân Mỹ”. 

Còn lãnh đạo phe Dân chủ thiểu số tại Thượng viện Mỹ Harry Reid nhấn mạnh đến sự đoàn kết nước Mỹ mà ông Trump muốn tìm kiếm: “Nếu ông Trump thực sự muốn tìm kiếm sự đoàn kết thì điều đầu tiên ông phải làm là bãi bỏ quyết định lựa chọn ông Stephen Bannon. Bởi vì một người bênh vực tư tưởng phân biệt chủng tộc bước ra từ Phòng Bầu dục sẽ không thể thúc đẩy nỗ lực hàn gắn quốc gia của ông Trump. Tôi phải nói với ông Trump rằng, ông cần có trách nhiệm, cần nâng cao phẩm cách của những người làm việc trong văn phòng Tổng thống”. 

Tổng thống mới đắc cử Donald Trump đang đối mặt với thách thức hàn gắn đất nước. Ảnh: CNN.

Kể từ sau cuộc bầu cử Tổng thống hôm 8-11 với chiến thắng thuộc về ông Trump, chia rẽ sâu sắc là điều mà nước Mỹ đang phải chứng kiến. Đi kèm với đó là làn sóng biểu tình vẫn đang lan rộng tại nhiều bang trên khắp “xứ cờ hoa”. Cả Tổng thống đương nhiệm Barack Obama và ứng viên Tổng thống đảng Dân chủ Hillary Clinton đều lên tiếng kêu gọi người dân đoàn kết sau khi bầu cử kết thúc. Trong khi đó, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Paul Ryal cũng thừa nhận những lo ngại hiện nay của người dân Mỹ. 

“Với tất cả người dân Mỹ đang lo ngại về tương lai của đất nước, về tương lai của mình và lo ngại cho hướng đi của nước Mỹ sắp tới, tôi muốn nói rằng, chúng tôi đã thấy những lo ngại của các bạn và chúng tôi ở đây để giải quyết vấn đề. Các nhà lãnh đạo Cộng hòa là một đội ngũ thống nhất”, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Paul Ryal nói. 

Điều đó cho thấy, thách thức đầu tiên mà ông Trump phải giải quyết sau khi bước chân vào Nhà Trắng chính là đoàn kết người dân, khôi phục niềm tin với nền chính trị. 

Chính vì vậy, lựa chọn đầu tiên cho chính quyền mới của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump là giao Chủ tịch Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa Reince Priebus - một nhân vật có quan hệ gần gũi với các lãnh đạo đảng Cộng hòa làm Chánh Văn phòng Tổng thống, cho thấy mong muốn hằn gắn chia rẽ trong nội bộ đảng Cộng hòa và khởi đầu chính phủ mới trôi chảy.

Cũng trong ngày 15-11, hãng tin CNN dẫn nội dung biên bản ghi nhớ của nhóm chuyển giao quyền lực của Tổng thống đắc cử Mỹ cho biết, ông Trump sẽ tiến hành sửa đổi chính sách thương mại của Mỹ ngay từ những ngày đầu tiên cầm quyền. 

Biên bản này còn liệt kê khá cụ thể những công việc cần làm trong 200 ngày đầu tiên của chính quyền Donald Trump, trong đó chỉ rõ rằng, chính sách thương mại của tỷ phú Mỹ sẽ đi ngược lại những người theo chủ nghĩa toàn cầu trong cả hai đảng Dân chủ và Cộng hoà. 

Theo đó, chính quyền mới của Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ tạo ra những hiệp định thương mại mới đặt lợi ích của các công ty và người lao động Mỹ lên hàng đầu. 

Kế hoạch làm việc trong 200 ngày được xây dựng xung quanh 5 nguyên tắc cơ bản, với trọng tâm mang công việc sản xuất, việc làm trở lại Mỹ: Đàm phán lại hoặc rút khỏi Hiệp định Tự do Bắc Mỹ (NAFTA); dừng Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP); chấm dứt nhập khẩu không công bằng; thực hiện công bằng trong các hoạt động thương mại; và cuối cùng là theo đuổi các thỏa thuận thương mại song phương. 

Bên cạnh đó, biên bản đặt ra 3 cột mốc cho chính quyền trong 200 ngày đầu tiên: 

Ngày thứ 1: Bắt đầu cải cách NAFTA, yêu cầu Bộ Thương mại và Ủy ban Thương mại Quốc tế nghiên cứu khả năng rút khỏi NAFTA; thông báo với Mexico và Canada về việc Mỹ muốn sửa đổi hiệp định, trong đó có các biện pháp chống thao túng tiền tệ, các tiêu chuẩn về an toàn và môi trường... 

Ngày thứ 100: Tiếp tục đàm phán lại NAFTA, tìm cách “trấn áp” Trung Quốc nếu Bắc Kinh thao túng tiền tệ. 

Ngày thứ 200: Ông Trump sẽ cân nhắc chính thức rút lui khỏi NAFTA và theo đuổi các hiệp định thương mại song phương. Việc này có thể thực hiện qua quyền đàm phán nhanh (TPA), mà Quốc hội đã trao cho Tổng thống. 

Trong một diễn biến liên quan, theo tin từ hãng Reuters, các nhóm vận động hành lang của các công ty, một số giám đốc và nghị sĩ theo khuynh hướng ủng hộ hiệp định thương mại muốn ông Trump tránh các hành động đánh thuế đơn phương, thay vào đó tập trung vào các cuộc thương thảo. Họ hy vọng rằng, ông Trump có thể nhìn nhận tự do thương mại là cách để thúc đẩy nền kinh tế Mỹ và tạo ra việc làm.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.